Khâu phân phối… rắc rối

ANTĐ - Nền kinh tế mới chỉ có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của người lao động chưa tăng, sức mua của người dân vẫn sụt giảm mà các nhà quản lý, điều hành đã “mở van” tăng giá xăng lên tới 25.640 đồng/lít, mức cao kỷ lục. Trong khi đó, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội tăng giá 1.348 dịch vụ khám chữa bệnh, bổ sung giá 135 dịch vụ kỹ thuật y tế. Điều này đã tạo nên cái cớ cho thị trường “bấu víu” vào để đẩy các loại giá cả lên một mặt bằng mới, tạo nên cơn “sốt giá” khó tránh khỏi. Khi mà giá cả đua nhau tăng cao, người tiêu dụng thắt chặt chi tiêu, làm cách nào để kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất?

Trong bối cảnh sức mua ì ạch mấy năm nay, một số chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội sản xuất kinh doanh cho rằng đã đến lúc phải kích cầu tiêu dùng. Sức mua giảm sút “đánh” thẳng vào nhà sản xuất khi phải gồng mình gánh hàng tồn kho ứ đọng, chồng chất. Trừ  ngày nghỉ cuối tuần, từ ngoài chợ vào trong siêu thị, không khí mua sắm chưa sôi động. Người dân chủ yếu bỏ tiền mua thực phẩm thiết yếu hàng ngày, cơ cấu tiêu dùng thay đổi rõ rệt: 70% số tiền chi tiêu để mua thức ăn, thay vì mua sắm quần áo, đồ dùng gia dụng.

Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng tiền gửi tiết kiệm lại tăng lên, người dân vẫn tiếp tục cắt giảm chi tiêu, lo tích lũy phòng xa. Hai thị trường lớn nhất cả nước Hà Nội, TP.HCM đều tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi “đại hạ giá, siêu giảm giá”, thậm chí bán phá giá, song tình trạng vẫn không khá lên. Một số ý kiến lo ngại nguy cơ thiểu phát đang hiển hiện khi chỉ số giá tiêu dùng có xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước. Vậy cần có giải pháp gì để kích cầu tiêu dùng? Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định cung hàng hóa dồi dào trong khi cầu thấp, theo quy luật thị trường để bán được sản phẩm chỉ có cách hạ giá bán. Muốn làm được điều này, nhà sản xuất, hệ thống phân phối và siêu thị, cửa hàng bán lẻ phải chia sẻ lợi nhuận với nhau để cùng tồn tại.

Thực tế giá hàng bán trong hầu hết siêu thị lại khá cao so với giá sản xuất. Giá người sản xuất đưa ra rất thấp, nhưng đến tay người dân lại cao chót vót, bởi hàng đến siêu thị phải đi lòng vòng qua 3-4 kênh phân phối, mỗi kênh lại “gửi” phần trăm “hoa hồng” vào giá, thử hỏi làm sao mà giá hàng trong siêu thị, đại lý không cao? Theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ, cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian. Bộ Công Thương nên xem xét, tổ chức lại hệ thống phân phối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dầu ăn… Doanh nghiệp mải mê sản xuất nên buông lỏng kênh phân phối, hàng hóa phải qua tay 3-4 cấp mới đến tận tay người tiêu dùng. Phân phối hay làm rối loạn thị trường?