Khẩu chiến ở các gia đình trẻ

ANTĐ - Đối với vợ chồng trẻ thì "khẩu chiến" là "chuyện thường ngày" không có "khẩu chiến” mới lạ. Nghèo quá thì cãi nhau vì tiền, mà giàu quá thì cũng cãi nhau vì tiền. Rồi những chuyện "nhỏ như con thỏ" giữa vợ, chồng...

Đối với vợ chồng trẻ thì "khẩu chiến" là "chuyện thường ngày" không có "khẩu chiến” mới lạ. Nghèo quá thì cãi nhau vì tiền, mà giàu quá thì cũng cãi nhau vì tiền. Rồi những chuyện "nhỏ như con thỏ" giữa vợ, chồng, những quan hệ giữa hai bên họ mạc, nếu không công bằng thì cũng xảy ra khẩu chiến. Nhưng kinh khủng nhất vẫn là ghen. Chồng về không đúng giờ, vợ hỏi: "Lại đi uống café với cô nào phải không?". Chồng cười vui với bạn gái khi đang hội hè, đình đám thì khi về nhà lại nghe ngay lời chì chiết: "Thấy nó xinh nên cười tít mắt lên..".

Ấy là vợ ghen, còn chồng ghen thì kinh khủng hơn, mặc dù chỉ ghen bóng ghen gió. Có anh nện tuôn tình địch, không mảy may chạm vào vợ vì rất yêu vợ. Những hành động của anh ta khiến cho chị vợ la ó và "khẩu chiến" xảy ra. Nếu anh chồng biết lỗi thì anh ta lỉnh đi, nhưng nếu ngoan cố thì nội chiến sẽ bùng nổ.

Nếu ở cùng gia đình nhà vợ hoặc gia đình nhà chồng, ai được đồng minh từ nhà mình, ắt hẳn "khẩu chiến” sẽ dai dẳng hơn, có khi thành đại chiến. Từ chuyện nọ xọ chuyện kia. Chồng thì tư duy kiểu đàn ông, áp đặt, kiên quyết bảo vệ chính kiến của mình. Còn vợ thì tư duy kiểu đàn bà, dây cà ra dây muống, suy diễn đủ thứ, từ một việc rất nhỏ, hoặc một phát ngôn bâng quơ của người chồng. Cả hai, nếu cùng nóng tính, hiếu thắng sẽ dẫn đến "khẩu chiến" không ngưng nghỉ, thậm chí có cả "tả đột hữu xung". Đừng tưởng chỉ có chồng mới "tả chiến" mà các bà vợ cũng chẳng vừa, quyết không để chồng chiến thắng, cũng xông vào "oánh ngay” làm cho chồng nhiều khi trở tay không kịp phải ăn những cú đấm trời giáng.

Kinh khủng nhất là, có người vợ đã vì ghen, "khẩu chiến" thất bại bèn cắt "của quý" của chồng. Chị ta nghĩ, làm vậy anh tã sẽ hết lăng nhăng. Kết quả là kết thúc luôn cả cuộc hôn nhân và chị ta mất người chồng vĩnh viễn.

Thường là, "khẩu chiến" không đem tại kết quả mong muốn cho người chủ động gây ra, thì, nội chiến sẽ xuất hiện. Nội chiến không bao giờ kết thúc nếu cả hai không thay tính đổi nết và quyết không bước trước đối thủ. Chẳng thế mà, khi người chồng chịu không nổi sự lắm điều, đanh đá của người vợ, đã làm mất mặt anh ta với bè bạn, xóm giềng, anh quyết ly hôn. Ra tòa, người vợ khóc như mưa xin lỗi chồng, nhưng anh chồng lạnh tạnh, không suy chuyển quyết định. Tình yêu đã chết trong anh bởi sự đanh đá, chua ngoa không có độ dừng của người vợ. Còn người vợ, có người chồng suốt ngày lém bèm cùng hao mòn cả thể xác lẫn linh hồn.

Muốn "khẩu chiến" ngưng, hòa bình lập lại thì một trong hai có người tỉnh trước, điềm tĩnh một chút giống như câu ca dao xưa:

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê

Song tỉnh được đâu có dễ. Các cụ đã nói, giận quá mất khôn là vậy. Cho nên phải phòng từ xa, các cụ dạy con trai, cháu trai: "Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” quả không sai.

Cách đây hàng ngàn năm, triết gia Hy Lạp Sophode đã nói: "Đối với người phụ nữ, yên lặng cũng như một thứ trang sức". Còn Voltaire, triết gia Pháp thế kỷ XVII thì nói về đàn bà như sau: "Sắc đẹp làm vui mắt, sự dịu hiền thu hút lòng người". Còn ngạn ngữ Ai Cập có câu: "Tiếng thở nhẹ của người con gái đẹp vang xa hơn tiếng gầm sư tử”. Để thấy, sự dịu dàng, khôn ngoan, khéo léo của người phụ nữ giúp ích rất nhiều cho việc không kéo dài khẩu chiến" hoặc ít xảy ra "khẩu chiến". Còn người đàn ông nếu biết bình tĩnh và lắng nghe thì sẽ đỡ rất nhiều hậu quả sau đó.

 

Thế mới thấy quả nhân thật biết nhìn xa trông rộng.

Xưa, phụ nữ thường tuân thủ “Tam tòng- Tứ đức" nên "khẩu chiến" vợ chồng ít xảy ra. Nay có khác, nam nữ bình đẳng, phụ nữ độc lập, tự tin hơn, họ sẵn sàng tranh luận với chồng, có lúc nảy lửa, ít phân thẳng, bại. Nhiều phụ nữ về già rất hay nói (tất nhiên cũng có đàn ông lắm điều nhưng so sánh thì ít hơn đàn bà). Có nhiều đôi cũng tự điều chỉnh để phù hợp với người bạn đời của mình, nhưng rất khó khi mắc bệnh nói quá nhiều. Khi cả hai mang tính cá nhân to tướng thì rất khó dung hoa, "khẩu chiến" sẽ xảy ra thường xuyên. Và điều ấy sẽ làm hao mòn tình yêu của họ.

Còn những cặp đôi còn trẻ, có con nhỏ, các bậc cha mẹ trẻ "khẩu chiến" và "tả đột hữu xung" thì những đứa con sẽ là nạn nhân để cả hai bên xâu xé, giành giật đồng minh. Những tiếng khóc, những tiếng gào thét náo loạn thiên cung. Cuộc chiến kết thúc thường là cả hai bên tơi tả, con cái nước mắt nhòe nhoẹt, lủi thủi chơi một mình. Nhà cửa, đồ đạc tung tóe... Thậm chí, những cuộc "khẩu chiến" nổ ra như căn bệnh mãn tính thì việc dẫn nhau ra tòa là khó tránh. Tất nhiên chẳng ai nhận lỗi về mình cả. Nếu họ nhận được lỗi thì "khẩu chiến" có khi lại có tính tích cực, làm cho họ hiểu nhau và yêu nhau hơn cũng nên.

Tuy nhiên, nếu "khẩu chiến" mang tính lăng mạ nhau thì rất khó hòa giải. Bởi, ai cũng vậy thôi, khi đã bị xúc phạm đến nhân cách, nhân phẩm thì thường là không tha thứ cho nhau.

"Khẩu chiến" giữa các đôi vợ chồng "môn đăng hộ đối" hay xảy ra hơn so với những đôi khác, vì họ ngang tài, ngang sức, ngang tiền tài, của cải... Có người vợ trình độ ngang chồng, được chồng tôn trọng thì lại rất hay bắt bẻ chồng. Khi họ "tay hòm chìa khóa" biết vun vén cho gia đình, tính quyết đoán, thích chỉ huy... thì thường các cuộc "khẩu chiến" do người vợ gây ra. Còn gia đình nào chồng gia trưởng, coi mình là số 1 thì ông ta sẽ là người châm ngòi, gây chiến với vợ con. Khẩu chiến mở đầu cho chiến tranh. Hòa bình chỉ lập lại khi một trong hai bên, hoặc là hết kiến thức vặn vẹo, hoặc là có lực lượng thứ ba xuất hiện vô tình dập tắt hộ, hoặc tự họ thấy sự phi lý của cuốc chiến mà dừng lại. Nhưng xấu nhất là kết thúc "khẩu chiến" bằng một trận quyết chiến để phân thắng bại. Để rồi, cả hai, "thân bại danh liệt".

Tôi tin rằng, chẳng ai thích sống một mình, vì ở một mình buồn lắm, chẳng có ai mà nói chuyện hoặc "khẩu chiến" đâu. Thường là, còn" khẩu chiến" là còn hy vọng cho cuộc hôn nhân. Khi không còn gì để mà nói với nhau nữa thì người ta cũng "goodbye" nhau thôi. Tuy nhiên, "khẩu chiến" cũng phải có nghệ thuật, vụng quá sẽ mang lại hậu quả khôn lường.

Mặc dù "khẩu chiến" giữa các đôi vợ chồng là khó tránh; Nhưng kinh nghiệm của người đi trước để lại cho người đi sau là, muốn không muốn tan đàn xẻ nghé do "khẩu chiến" thì ghi nhớ mấy điều:

- Không lăng mạ và làm tổn thương danh dự của nhau khi "khẩu chiến" vì làm thế sẽ không có đường lui và sự hàn gắn sau khi tàn cuộc.

- Cố kiềm chế để khỏi xung đột lớn. Khi đã xảy ra "khẩu chiến" chớ có dại mà cà khịa tiếp đối phương bằng nhưng câu đùa liên quan đến tiền, tiêu tiền, bằng sự so sánh, ví von, lôi chuyện từ thời tam đại ra kể lể, hoặc khơi mào bằng những câu" giá mà trước đây..."

- Biết lánh đi đúng lúc "cao trào" có nghĩa là biến ra khỏi nhà đi đâu đó để đối phương chưng hửng. Khoảng một, hai giờ hãy về, chào hỏi nhau như không có việc gì xảy ra. Nếu đối phường còn nổi tam bành thì tốt hơn hết là nói .'"Anh (hoặc em) sắp chết rồi, hãy để anh chết trong sự bực tức của em (anh). Chắc em (anh) thích sống một mình phải không? Nếu vậy thì cứ tiếp tục!". Hài hước làm tan "khẩu chiến".