Khẳng định nỗ lực thúc đẩy quyền con người của Việt Nam (3): Dấu ấn trong đối ngoại đa phương thúc đẩy quyền con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ triển khai, thực thi chính sách bảo đảm quyền con người ở trong nước, Việt Nam còn chủ động, tích cực đóng góp vào việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới tại các diễn đàn đa phương với nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thúc đẩy, tôn trọng quyền con người theo chuẩn mực quốc tế

Ngay vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Đây là minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trong lĩnh vực quyền con người, Đảng ta đã đề ra những tư tưởng chỉ đạo, trong đó nêu rõ sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác trong quan hệ quốc tế về quyền con người, đồng thời đấu tranh với những âm mưu lợi dụng vấn đề này để chống phá Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt và từng bước được phát triển thêm qua các kỳ đại hội của Đảng. Từ chỗ “sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác”, đến nay ta “sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền; chủ động, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam”.

Việt Nam chủ trì cuộc họp Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền lần thứ 30

Việt Nam chủ trì cuộc họp Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền lần thứ 30

Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, như: Công ước về các quyền dân sự và chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người…

Bên cạnh các điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản nêu trên, Việt Nam còn tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, như: Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế; Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về ngăn chặn và trừng trị tội ác Apartheid; Công ước quốc tế về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại…

Để có thể thực hiện các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà mình tham gia, Việt Nam đã nội luật hóa, xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung công ước; soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện công ước; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện công ước; xây dựng các chương trình quốc gia để thực hiện những cam kết quốc tế về quyền con người.

Đóng góp trong nỗ lực chung của nhân loại về nhân quyền

Tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, đặc biệt là kể từ lần đầu tiên được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) (nhiệm kỳ 2014-2016) đến nay, Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của LHQ, ASEAN và các cơ chế khác, đồng thời có những đóng góp đáng ghi nhận vào nỗ lực chung của nhân loại trong lĩnh vực này. Những đóng góp ấy được thể hiện thông qua các sáng kiến về quyền con người, nhất là các nội dung liên quan đến bảo đảm quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và những người chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu...

Tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam không chỉ tích cực lồng ghép các vấn đề ưu tiên, mà còn thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, năm 2020, với 112 nước đồng bảo trợ, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27-12 hàng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh, đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã chủ trì xây dựng, thương lượng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người với số phiếu ủng hộ cao. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đưa chúng ta trở thành một trong những nước đi đầu về cam kết cắt giảm phát thải.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021), Việt Nam luôn thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường hành động nhân đạo, bảo vệ thường dân trong và hậu xung đột. Các sáng kiến của Việt Nam đều được cộng đồng quốc tế hưởng ứng, đánh giá cao bởi cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết và ngăn ngừa xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng đã có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết trong ASEAN về quyền con người, nhất là trong quá trình xây dựng Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, thành lập và hoạt động của các cơ chế ASEAN liên quan quyền con người. Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với ưu tiên thúc đẩy quyền của nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt, triển khai Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; xây dựng Quy chế hoạt động của Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; hình thành Khung chiến lược ASEAN trong tình huống khẩn cấp y tế công cộng...

Với cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, Việt Nam chú trọng tăng cường thông tin đến cộng đồng quốc tế về những chính sách, nỗ lực và thành tựu trong bảo đảm quyền con người, đồng thời còn chủ động, linh hoạt tham gia cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế chống xu hướng chính trị hóa, “tiêu chuẩn kép”, can thiệp, thúc đẩy minh bạch tiến tới hiểu biết lẫn nhau, không để khác biệt cản trở hợp tác với các đối tác quan trọng.

Với việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2023-2025), Việt Nam không chỉ có điều kiện tham gia tích cực hơn vào giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại trong lĩnh vực nhân quyền, mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.