Khẳng định nỗ lực thúc đẩy quyền con người của Việt Nam (2): Thành quả thúc đẩy quyền con người của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam trên thực tế đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.
Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về thúc đẩy quyền con người

Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về thúc đẩy quyền con người

Không ngừng hoàn thiện pháp luật về quyền con người

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong trả lời báo chí sau khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã khẳng định, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện. Trong đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự kiện đã tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh việc chế định quyền con người trong Hiến pháp, Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Từ năm 2019 đến tháng 1-2022, Quốc hội nước ta đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020…

Thực hiện một số khuyến nghị, các đơn vị đầu mối của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính…

Nước ta hiện đã gia nhập hầu hết các công ước ước nhân quyền quốc tế chủ chốt như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… Những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước.

Với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của nước ta về quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người.

Người dân là trung tâm, là chủ thể

Đường lối, chủ trương xuyên suốt thúc đẩy quyền con người ở nước ta đã cụ thể hóa bằng chính sách phát triển kinh tế-xã hội là công bằng, hướng tới mọi đối tượng, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế ở thành thị, mà luôn dành nguồn lực lớn, sự quan tâm sâu sắc tới xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Qua mỗi năm, từng giai đoạn, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội ở nước ta đều có sự thay đổi cơ bản.

Trên lĩnh vực bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền con người được thực hiện một cách tích cực trong các chương trình, chính sách quốc gia như: Bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa. So với trước đổi mới, đặc biệt trong khoảng 20 năm trở lại đây, đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện rõ rệt; nhiều quyền đã được bảo đảm với các chi phí phù hợp.

Có thể khẳng định, các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển tại nước ta. Thành tựu của những nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã được ghi nhận khi Việt Nam được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đưa vào danh sách những nước có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới.

Theo Báo cáo hàng năm về phát triển con người của UNDP, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng chỉ số HDI cao nhất thế giới dù kinh tế chưa đạt được như các nước phát triển. Nếu năm 1990, HDI của Việt Nam chỉ đạt mức thấp là 0,48 thì chỉ số này của Việt Nam đã tăng lên 0,703 vào năm 2021, xếp thứ 115 trong số 191 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Liên hợp quốc từ nhiều năm qua luôn coi Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam cũng luôn nằm trong số những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo hồi tháng 4 năm nay đã đánh giá Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ.

Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương gây thiệt hại nặng nề về kinh tế-xã hội, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đạt được những thành tựu được ghi nhận, đánh giá cao; tiến hành song song việc ứng phó với dịch bệnh và thúc đẩy quyền con người, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở bảo đảm và tôn trọng quyền con người. Ấn tượng về điều này, trang The Diplomat nhìn nhận: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”.

Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm bảo đảm người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản, cho dù trong đại dịch hay thiên tai nặng nề, là minh chứng cho chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, như quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể”.

(Còn nữa)