Khám phá khinh hạm hàng đầu Đông Nam Á của Myanmar

ANTĐ - Trong 3 ngày cuối tháng 3 vừa qua, Myanmar đã hạ thủy và đưa vào biên chế cho hải quân 2 chiếc khinh hạm tàng hình mang tên lửa điều khiển thuộc loại mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngày 31-3, hải quân Myanmar đã chính thức biên chế hoạt động chiếc khinh hạm tàng hình lớp Aung Zeya thứ 2 mang số hiệu F-12 UMS Kyansitthar, tại căn cứ hải quân Thanlyin ở gần Yangon. Buổi lễ hạ thủy được chủ trì bởi phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Myanmar là Đại tướng Soe Win, và tư lệnh hải quân - Đô đốc Thura Thet Swe.

Lễ biên chế này là một cột mốc quan trọng trong chương trình đóng tàu nội địa đang phát triển rất nhanh của hải quân nước này, nhằm nỗ lực hướng tới phát triển khả năng tác chiến xa bờ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và nguồn lợi năng lượng ngoài khơi của họ.

Trước đó, ngày 29-3, hải quân Myanmar cũng đã hạ thủy chiếc khinh hạm tàng hình thứ 3 mang tên UMS Sin Phyu Shin, số hiệu F-14. Cả hai chiếc khinh hạm này đều được đóng tại nhà máy đóng tàu hải quân Thilawa, với sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật và công nghệ từ phía Trung Quốc.

Khinh hạm F-14 sử dụng vỏ tàu và động cơ đẩy, cũng như kế thừa công nghệ tàng hình của khinh hạm F-12. Trong khi F-12 sử dụng các hệ thống vũ khí của cả Nga và Trung Quốc thì khinh hạm F-14 chủ yếu sử dụng các hệ thống vũ khí Trung Quốc, ngoại trừ một số hệ thống cảm biến.

Khám phá khinh hạm hàng đầu Đông Nam Á của Myanmar  ảnh 1

Khinh hạm tàng hình thứ 3 mang tên UMS Sin Phyu Shin, số hiệu F-14

Lớp tàu Aung Zeya có lượng giãn nước khoảng 2.500 tấn, dài 108m, tốc độ tối đa 56km/giờ và tầm hoạt động trên 6.100km. Tàu được trang bị tên lửa đối hạm C-602 có tầm bắn 280 km, một nhà chứa máy bay trực thăng ở phía sau và một bãi đáp cho một chiếc trực thăng Ka-28-A hoặc Z-9.

Hiện có thông tin cho rằng, khinh hạm F-14 được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ phòng không, và sẽ được trang bị radar Type 346 và các hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc.

Nếu được trang bị các hệ thống vũ khí như kể trên, thì khinh hạm F-14 của hải quân Myanmar sẽ soán ngôi lớp khinh hạm Formidable của Singapore và trở thành mẫu khinh hạm hiện đại nhất và mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, điều này là không thực tế bởi lớp tàu này có lượng giãn nước quá nhỏ, các tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa thường được trang bị trên các tàu khu trục phòng không có lượng giãn nước tầm 6.000 tấn trở lên, chứ không phải là các tàu hộ vệ hạng trung như lớp Aung Zeya.

Hơn nữa, tàu hộ vệ mạnh nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc thuộc lớp 054A có lượng giãn nước tới 4.000 tấn cũng mới chỉ được trang bị các hệ thống phòng không tầm trung HHQ-16. Nếu được trang bị HHQ-9, tàu hộ vệ của Myanmar còn mạnh hơn cả tàu khu trục phòng không chính hiệu thuộc các Type 051/051B và 052/052B của chính Trung Quốc.

Khám phá khinh hạm hàng đầu Đông Nam Á của Myanmar  ảnh 2

Khinh hạm tàng hình lớp Aung Zeya thứ 2 mang số hiệu F-12 UMS Kyansitthar


Theo kế hoạch, chiếc khinh hạm F-14 sẽ được biên chế cho hải quân Myanmar vào năm 2015 và chiếc thứ 4 (F-15), đã được khởi đóng từ cuối năm 2013, sẽ được biên chế trong năm 2016.

Myanmar có kế hoạch sẽ đóng tổng số 6 chiếc khinh hạm tàng hình lớp Aung Zeya và 4 chiếc khinh hạm lớp Aung Zeya cải tiến (dài 122m) tại nhà máy đóng tàu hải quân Thilawa. Ngoài ra, hải quân Myanmar còn đang vận hành 2 chiếc khinh hạm hạng nhẹ F-771 và F-772.

Theo trang mạng Chinamil của Trung Quốc, với sự xuất hiện của lớp tàu hộ vệ này, sức mạnh của lực lượng hải quân Myanmar sẽ được cải thiện đáng kể và trở thành một thế lực mới tại khu vực Đông Nam Á.

Báo chí Trung Quốc đặc biệt coi trọng sự hợp tác về công nghệ quốc phòng với Myanmar và khẳng định sự hợp tác này sẽ giúp Myanmar có thể bảo đảm tự sản xuất được những khí tài quân sự hiện đại, đáp ứng yêu cầu hiện tại hóa quốc phòng của nước này.