Khám chữa bệnh tại nhà: Chủ quan, hậu quả khôn lường

ANTĐ - Nhà nước luôn khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ y tế, trong đó có loại hình khám chữa bệnh tại nhà. Điều quan trọng nhất là cá nhân, cơ sở muốn thực hiện phải xin phép, bởi với lĩnh vực nhạy cảm này, việc hành nghề chui luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn.

Điều trị tại nhà, bệnh nhân gặp biến chứng nguy kịch vào cấp cứu tại BV Bạch Mai

Nguy cơ tàn phế, tử vong

Cách đây gần 3 tháng, Khoa Cơ xương khớp - BV E Trung ương cùng lúc tiếp nhận 2 bệnh nhân bị nhiễm trùng khớp vai và khớp gối rất nặng do tiêm trực tiếp thuốc giảm đau vào khớp để chữa bệnh đau khớp. Người nhà các bệnh nhân này kể lại, khi thấy đau gối, họ tự đến nhà một y sỹ về hưu nhờ người này đến tiêm cho bệnh nhân, ông y sỹ đã tiêm cho 10 mũi thuốc trong 15 ngày vào khớp. Sau tiêm, khớp của người bệnh sưng to thêm, không đi lại được, kèm theo sốt và nhiễm trùng. Các bác sĩ của BV E phải mổ lấy ra 200ml mủ trong khớp và rửa khớp cho một bệnh nhân, dù vậy khả năng có thể đi lại được của bệnh nhân là rất thấp.

Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai, những trường hợp bị ngộ độc, dị ứng, biến chứng nặng do tự ý điều trị tại nhà hầu như ngày nào cũng gặp. Có bệnh nhân chỉ giẫm phải một chiếc đinh gỉ, mời một thầy thuốc (trình độ trung cấp) ở gần nhà đến tiêm, sau 7 ngày tiêm SAT, bệnh nhân không những không khỏi mà sưng to hơn, xuất hiện nhiều hạch ngoại biên, đau sưng khớp và nổi mày đay trên da, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Một trường hợp khác bị ngộ độc thức ăn, gọi thầy thuốc (ông này là cán bộ y tế của trường cấp 1, kiêm thêm nghề khám chữa bệnh cho bà con trong làng), được thầy thuốc cho uống peflacin 400mg, 3 ngày sau xuất hiện chấm xuất huyết ở đầu 2 chân, 2 tay, sau đó loét, suy thận độ 2, phải nhập viện…

Lạ một chỗ, người bệnh đến cơ sở y tế khám bệnh phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc, còn thầy thuốc đến khám chữa bệnh tại nhà nhiều khi lại điều trị theo… “chỉ định” của bệnh nhân. Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, khoa Tim mạch-Lồng ngực - BV Việt Đức cho biết, nhiều người dân có thói quen mỗi khi bị mệt mỏi, ốm đau là gọi thầy thuốc quen đến “truyền cho tôi chai nước” hay “tiêm cho tôi mấy mũi”, thường là tiêm kháng sinh hoặc giảm đau, coticoid. Họ không ý thức rõ những biện pháp điều trị tưởng đơn giản này lại tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mức độ nguy hiểm rất lớn do điều kiện môi trường tại nhà không đảm bảo tính vô trùng, các thầy thuốc khám chữa bệnh tại nhà cũng không có đầy đủ trang thiết bị phục vụ chống sốc hay các phản ứng bất thường trong quá trình điều trị gây ra. Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm có cả hàng nghìn ca bị sốc do truyền dịch tại nhà, không ít người đã tử vong.

Khuyến khích nhưng phải đúng luật

TS.BS Trần Tử Bình - Giám đốc BV Đa khoa Hòe Nhai cho biết, trước hết cần phải phân biệt rõ giữa loại hình bác sĩ gia đình và loại hình khám chữa bệnh tại nhà. Với bác sĩ gia đình, mô hình này phát triển rất mạnh ở các nước phát triển, còn tại nước ta hầu như chưa có. Với hành nghề khám chữa bệnh tại gia đình theo yêu cầu của bệnh nhân, thực tế đã và đang tồn tại trong xã hội ta từ rất lâu nhưng do phong tục, tập quán và cả thói quen, đa số người hành nghề này không có phép của cơ quan quản lý, số được cấp phép hành nghề đúng mục đích trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có một vài cơ sở. Cái khó là muốn xin phép hành nghề phải có nhiều tiêu chí, từ trình độ thầy thuốc, lĩnh vực chuyên môn hành nghề đến niêm yết giá dịch vụ… Thực tế, nhiều bác sĩ có bằng cấp đàng hoàng, khi về nhà có hàng xóm, họ hàng sang nhờ khám chữa bệnh, nếu thầy thuốc này chấp nhận khám, bán thuốc cho họ thì vi phạm quy định, nhưng nếu không khám thì lại bị điều tiếng.

Rõ ràng, đang tồn tại một mâu thuẫn lớn giữa nhu cầu và thực trạng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà cho các bệnh nhân. Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong Luật Khám chữa bệnh vừa có hiệu lực, hình thức bác sĩ gia đình được quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn. Theo đó, nhà nước khuyến khích hành nghề bác sĩ gia đình hay khám chữa bệnh tại nhà, nhưng cá nhân, tổ chức muốn thực hiện phải xin phép và được cơ quan chức năng cấp phép. Nếu hành nghề này với mục đích dịch vụ mà không xin phép thì trong bất cứ tình huống nào cũng đều là vi phạm. Chẳng hạn, các bác sĩ về hưu muốn đi khám chữa bệnh cho nhân dân trong khu phố thì phải được cấp giấy phép hành nghề y dược tư nhân, phải mở phòng khám theo chuyên khoa của mình (có biển hiệu) ở một địa chỉ cố định. Trường hợp không được cấp phép, nếu họ khám chữa bệnh cho bà con với mục đích tình nghĩa, từ thiện, không lấy tiền thì không sao, đáng hoan nghênh, còn khi đã thu tiền (làm dịch vụ) thì không được phép và phải xử lý theo quy định.

Ông Cường cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người bệnh chỉ nên gọi những thầy thuốc được cấp chứng nhận hành nghề, tuyệt đối không gọi thầy thuốc do nghe giới thiệu hoặc qua đọc quảng cáo, rao vặt.