Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

ANTĐ - Hôm nay, 22-10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc tại Hà Nội và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 22-11. Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp này sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và một số Dự án Luật quan trọng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Ủy ban kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Phóng viên Báo ANTĐ đã gặp gỡ một số vị ĐBQH, ghi nhận tâm tư, mong mỏi của những người đại diện cho cử tri, trước phiên khai mạc.

Làm rõ sai phạm, trách nhiệm cá nhân

Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII ảnh 1
Việc Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính là nội dung mà đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm hơn cả bởi đây chính là Bộ luật gốc của đất nước. Cũng vì thế, Quốc hội sẽ dành 2 ngày để thảo luận nội dung sửa đổi Hiến pháp đồng thời thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992). Sau đó Nghị quyết này sẽ được xin ý kiến nhân dân (trưng cầu ý dân) để tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, hoàn thiện, trình Quốc hội kỳ sau.- PV: Từng đưa ra những ý kiến chất vấn rất mạnh mẽ về các sai phạm trong tham nhũng và quản lý đất đai ở kỳ họp trước, ông mong mỏi Quốc hội kỳ này sẽ có thay đổi gì ở 2 lĩnh vực trên? 
- Ông Lê Như Tiến: Không phải vô cớ mà 70-80% lượng đơn thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân hiện nay liên quan đến đất đai. Luật Đất đai hiện hành giao quá nhiều quyền cho lãnh đạo chính quyền các cấp, chẳng hạn như Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện gần như có toàn quyền định đoạt từ việc cấp đất, chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi đất, cấp đất đền bù giải phóng mặt bằng, thậm chí là định giá đất. Điều đáng nói là do chưa có cơ chế kiểm soát, dẫn đến tình trạng tham ô, tham nhũng, trục lợi từ đất đai ngày càng trầm trọng, những vụ việc bức xúc nảy sinh từ đất đai phức tạp như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) trong thời gian vừa qua… Trong Luật Đất đai sửa đổi, người dân sẽ được giao quyền sử dụng đất lâu dài hơn, cũng sẽ có các cơ chế chặt chẽ trong việc thu hồi đất, có chế định, chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn với những hành vi trục lợi cá nhân qua đất.  Với Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ngoài việc thảo luận xem Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và các cấp đặt ở đâu, do cơ quan, tổ chức nào điều phối thì nội dung rất được cử tri quan tâm là Luật sẽ đặt vấn đề công khai minh bạch trong việc kê khai tài sản của các quan chức nhà nước, kiểm soát tình trạng quan chức sang tên tài sản cho người thân để tránh bị kê khai.- Trong vấn đề này, ông có nghĩ rằng việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, lãnh đạo vi phạm, để xảy ra tham nhũng cần phải được làm đến nơi, đến chốn?
- Chắc chắn tại kỳ họp lần này, cử tri sẽ rất quan tâm đến việc tiếp tục làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những cá nhân đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ quản, trách nhiệm chính trị của các nhà quản lý có liên quan. Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá, cho thấy biểu hiện của tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp và như tôi từng nói, chúng ta càng phải có những “Bao Công” quả cảm, công minh. Cũng vì thế, việc trả lời chất vấn và hậu chất vấn của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ là phần mà cử tri cả nước sẽ chờ đợi. Lần này, người dân sẽ chờ xem các vị Bộ trưởng đã nhận thức được trách nhiệm của mình đến đâu trong việc thực hiện những lời hứa của chính mình khi đăng đàn trả lời chất vấn kỳ trước.  Một điểm rất mới là Quốc hội kỳ này sẽ thảo luận Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tôi cho rằng, Nghị quyết này được thông qua sẽ mở ra chương mới của văn hóa từ chức tại Việt Nam, bởi thông qua lấy phiếu tín nhiệm, những quan chức nào có lòng tự trọng, khi cảm thấy mức tín nhiệm của mình thấp, không được tin tưởng, sẽ chủ động xin từ chức.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, (đại biểu tỉnh Quảng Trị)
Luật Thủ đô sẽ đưa Hà Nội lên tầm vóc mới
Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII ảnh 2
Trả lời câu hỏi “Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, những vấn đề nào được bà đặc biệt quan tâm?”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết: “Có 5 vấn đề mà tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt, đó là dự án Luật Thủ đô; dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tất nhiên, những vấn đề khác được đưa ra trong chương trình nghị sự cũng cần được xem xét nghiêm túc”. Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội, nét mới thu hút sự chú ý của cử tri cả nước tại kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 vừa qua. Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu Hồng Hà nhấn mạnh: “Đây sẽ là hình thức, chế tài giám sát cụ thể đầu tiên mà theo tôi sẽ góp phần tăng cường sức mạnh trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo tinh thần dự thảo Nghị quyết, trong 2 năm đầu, khi cán bộ được tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mà không quá bán (50%) thì đương nhiên sẽ chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Cử tri cũng rất quan tâm việc Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (1992). Tôi chắc rằng trong khoảng thời gian 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3-2013), cử tri sẽ đóng góp rất nhiều ý kiến về toàn diện các vấn đề cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục...”. Dưới góc độ là một ĐBQH của Hà Nội, bà Hồng Hà cũng rất quan tâm dự thảo Luật Thủ đô: “Đây cũng là một trong những dự luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua kỳ này. Nếu được thông qua, Luật Thủ đô sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để góp phần xây dựng Thủ đô - Hà Nội phát triển mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của nhân dân cả nước. Điểm nhấn chính là các cơ chế đặc thù cho thành phố, nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và khách đến Thủ đô. Ví dụ thực tế hiện nay nhân khẩu ở 4 quận nội thành đã lên tới hơn 1 triệu người, song hạ tầng chỉ đáp ứng được tối đa 40 vạn dân, câu chuyện quá tải hiển hiện, hạ tầng là những gì: là bệnh viện, trường học, hệ thống giao thông, cơ sở văn hóa... Vì vậy dự thảo Luật Thủ đô sẽ không thể thiếu điều khoản quy định chặt chẽ hơn trong việc nhập hộ khẩu, nhất là đối với khu vực nội thành. Dự thảo luật cũng có một số nội dung mới như, Hà Nội được quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khu vực nội thành cao hơn nơi khác nhưng không quá hai lần mức tối đa do Chính phủ quy định với các vi phạm về đất đai, xây dựng, văn hóa. Tương tự, mức thu phí giao thông khu vực nội thành cũng không được cao hơn quá hai lần mức tối đa chung. Tất cả nhằm mục đích xây dựng một Thủ đô văn minh - hiện đại”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà - Phó trưởng đoàn chuyên trách (đại biểu TP Hà Nội)
Hãy để việc lấy phiếu tín nhiệm là thực chất

Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII ảnh 3
Tôi và các đại biểu khác tin tưởng vào chất lượng của kỳ họp này, dưới sự điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, tôi rất mong đợi câu trả lời của các đồng chí bộ trưởng, các cơ quan hành pháp đã được các đại biểu chất vấn, từng việc làm đã hứa với cử tri từ kỳ họp trước, cái gì đã làm được. Đây là một sự thay đổi lần đầu tiên được thực hiện tại các kỳ họp Quốc hội. Chỉ có trên cơ sở đó, mới nhận thấy có sự chuyển biến hay không của các cơ quan hành pháp. Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, đây là một chủ trương có từ rất lâu nhưng tại phiên họp này là một vấn đề mới. Tuy nhiên phải bàn xem, lấy phiếu như thế nào, bao lâu lấy phiếu một lần, theo phương thức nào và làm thế nào để đảm bảo lấy phiếu tín nhiệm ấy thực sự có hiệu quả, thực chất, chứ không phải hình thức. Kỳ họp này cũng dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.  Hiến pháp là bộ luật gốc, rất cơ bản và cần thiết của mỗi đất nước. Khi Hiến pháp sửa xong sẽ là định hướng cho Việt Nam phát triển bền vững. Còn với việc thông qua Luật Thủ đô, tôi muốn nói rằng cử tri cả nước đang kỳ vọng vào Thủ đô rất nhiều và trao cho Thủ đô trọng trách phải hiện đại, văn minh, phát triển bền vững. Cử tri đã trao trách nhiệm thì Thủ đô cũng muốn rằng, trong Luật hãy cho Thủ đô có cơ chế đặc thù để phát triển.
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (đại biểu TP Hà Nội)