- Cần quyết liệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng với dự án đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh
- ĐBQH: Cần làm rõ phương án giải phóng mặt bằng, lộ trình Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội
Đó là ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 10-6 của Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) về Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Dự án đường vành đai 3 TP. HCM.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng 2 tuyến đường vành đai trên, Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng, nên không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP. HCM đều là đường cao tốc, nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai.
Do đó, khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối. Đây là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thảo luận |
Đại biểu Cường cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ có dư luận Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ gây lãng phí lớn.
Do vậy, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, Đại biểu Cường đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này, thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Đại biểu cho rằng, khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai, là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) phát biểu tại hội trường |
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng cho rằng, trong thiết kế dự án đường vành đai cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có. Đại biểu đề nghị cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân, đồng thời trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Cho rằng hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Tranh luận về nội dung trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) nhấn mạnh, việc khai thác quỹ đất xung quanh đường cao tốc không hợp lý sẽ biến cao tốc thành trung tốc, thậm chí hạ tốc, thời gian đi lại lẽ ra từ 4 tiếng thành 7 tiếng.
“Chúng ta phải học tập các nước, mặt đường cao tốc chỉ nên cho phép xây dựng trạm dừng nghỉ và trạm xăng, không cho phép các khu dân cư nhỏ lẻ hình thành” - Đại biểu nói.