Kéo lạm phát xuống

(ANTĐ) - “Phấn đấu đưa lạm phát xuống một con số vào cuối năm 2009”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy tại một hội nghị các cán bộ chủ chốt của 59 tỉnh, thành. Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại yếu kém trong công tác chỉ đạo điều hành, nhất là công tác dự báo đã làm cho giá cả, lạm phát tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Kéo lạm phát xuống

(ANTĐ) - “Phấn đấu đưa lạm phát xuống một con số vào cuối năm 2009”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy tại một hội nghị các cán bộ chủ chốt của 59 tỉnh, thành. Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại yếu kém trong công tác chỉ đạo điều hành, nhất là công tác dự báo đã làm cho giá cả, lạm phát tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Nhìn lại tác động của “toa thuốc” mạnh mà Chính phủ đã áp dụng, có thể thấy liệu pháp “cắt cơn” có tác dụng tức thời: tốc độ lạm phát và nhập siêu bắt đầu giảm. Ngược lại, tác dụng phụ cũng thấy ngay, áp lực tăng lên trên bình diện vi mô, đến cuối năm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ mất khả năng chống đỡ và đứng vững.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù lạm phát là vấn đề gay gắt nhất, ưu tiên số 1 là kiềm chế nhưng chỉ là một mục tiêu tạm thời cốt để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, song nó cần phải trở thành mốc khởi điểm cho sự thay đổi căn bản tư duy về mô hình tăng trưởng.

Bất ổn vĩ mô mới là vấn đề bao trùm, chứa đựng nhiều căn bệnh trầm trọng mà lạm phát chỉ là cái “nhọt” bục vỡ. Kéo lạm phát xuống một con số, dĩ nhiên là công việc không dễ, nhưng ổn định vĩ mô mới thực sự là vấn đề phức tạp, khó giải quyết nhất. Chính vì vậy, cần “bắt mạch” thật chuẩn xác các nguyên nhân gây bệnh cho nền kinh tế.

Những tồn tại yếu kém trong chỉ đạo điều hành, nhất là công tác dự báo mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra, phải chăng mang tính hệ thống cần phải “mổ xẻ” nghiêm khắc và tìm giải pháp chữa trị tận gốc? Đó là sự phiến diện, rời rạc trong chẩn trị bệnh theo kiểu “đau đâu chữa đấy” khi mà, bệnh đã phát trên một “cơ thể” kinh tế suy nhược toàn thân.

Đó là kiểu “đổ bệnh” là vì “thời tiết” kinh tế thế giới trái gió trở trời. Tất nhiên, lạm phát và bất ổn vĩ mô có tác động khách quan bất lợi như giá cả thế giới chao đảo, thiên tai, dịch bệnh cộng với yếu kém trong công tác điều hành chính sách hay nó còn có căn nguyên từ mô hình tăng trưởng.

Lúc này, muốn kéo lạm phát xuống, không thể xoa dịu theo kiểu cho uống thuốc an thần, giảm đau mà phải chịu đau, chấp nhận sự nghiệt ngã của kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và thế giới. Kéo lạm phát xuống đồng nghĩa với chấp nhận giảm tăng trưởng.

Trong khi Chính phủ quyết tâm giảm tốc độ tăng trưởng xuống 7-8% GDP, ưu tiên đầu tư cho các công trình cấp thiết, dành một phần ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, giảm bội chi ngân sách thì không ít địa phương, tổng công ty và tập đoàn Nhà nước chỉ “quyết tâm” ngoài miệng nhưng thực chất vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch.

Trong khi Chính phủ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để giảm thiểu tác động của lạm phát đến đời sống nhân dân, nhất là vùng nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng bị thiên tai lũ quét và người lao động có thu nhập thấp, thì như lời Thủ tướng nghiêm khắc chỉ rõ: “Một đất nước nghèo mà nhập khẩu vàng đứng thứ hai thế giới, ôtô du lịch nhập tăng 300%, trong đó nhiều loại xe sang trọng bậc nhất thế giới, tín dụng tăng quá cao…”.

Phấn đấu kéo lạm phát xuống một con số vào cuối năm 2009, chắc chắn là một công việc hết sức nặng nề, khó khăn. Một mình Chính phủ không thể kéo lạm phát xuống, nếu tất cả các tổng công ty, tập đoàn kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp không cùng chung tay, góp sức. Kéo được lạm phát tụt xuống tức là sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội sẽ tăng lên.

Đan Thanh