Kê khai tài sản: "Không có gì"!

ANTĐ - Câu chuyện kê khai tài sản không phải là câu chuyện bây giờ mới được bàn đến mà nó đã được nhắc tới tại nhiều các cuộc họp tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, các cuộc hội thảo, trên nghị trường Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí là cả ở ngoài quán nước vỉa hè. 
Kê khai tài sản: "Không có gì"!  ảnh 1

Song câu chuyện ấy vẫn chưa bao giờ hết “nóng”, mới đây nó lại được xới xáo lại tại một cuộc hội thảo quốc tế có tên là: “Xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.

Tại cuộc hội thảo, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã kể lại một câu chuyện về một ông cán bộ phải kê đi kê lại tài sản đến 3 lần, mà lần sau tài sản lại nhiều hơn, to hơn, hoành tráng hơn lần trước. Thế mà, khi cơ quan chức năng xác minh thì thấy ông này còn có thêm 9 thửa đất với tổng diện tích lên đến chục nghìn mét vuông. Không những thế, ông cán bộ ấy còn có tổng cổ phiếu nắm giữ gần 24 tỉ đồng. Nhưng những tài sản đó đều không được ông cán bộ kê khai.

Kê khai tài sản được coi là một biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ phát hiện tham nhũng, song câu chuyện trên cho thấy biện pháp này đang không phát huy được tác dụng. Đến hẹn lại lên, năm nào cũng kê khai tài sản, nhưng kê xong lại cất vào ngăn kéo thành ra cái chuyện kê khai tài sản mới được đem ra bàn tán ở quán nước cho... vui. Các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng đã nhiều lần chỉ ra rằng tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp.

Điều đó chứng tỏ “biện pháp hỗ trợ phát hiện tham nhũng” thông qua việc kiểm soát tài sản vẫn không mấy đạt hiệu quả. Thực tế vẫn có nhiều vị quan chức khi kê khai tài sản, thu nhập thì “không có gì” nhưng vợ, con, cháu, chắt, chút, chít đến cả mấy đời thì lại có khối tài sản không lồ. Khối tài sản ấy được chuyển thành bất động sản ở trong và ngoài nước, thành xe sang, thành ngoại tệ, thành tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài... Thế nên, tài sản công mới được hợp thức hóa thành tài sản tư mà ngay tại cuộc hội thảo vừa nói trên, một đại biểu đã phải thốt lên rằng: “Chồng giữ vị trí có khả năng tham nhũng lớn nhưng vợ tiêu tiền tỉ vẫn không nằm trong diện phải kê khai tài sản là không hợp lý”.

Thực tế trên cũng đã cho thấy công tác kê khai tài sản vẫn còn nhiều lỗ hổng như đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nói: “Kê khai thì không phát hiện ra tham nhũng nhưng khi phát hiện tham nhũng lại không thu hồi được”.

 Để việc kê khai tài sản đạt hiệu quả thì cần phải có những cải cách tích cực nếu không việc kê khai tài sản mãi mãi chỉ là hình thức, mãi mãi những bản kê khai cũng chỉ nằm im lìm trong ngăn kéo.

Để bịt các lỗ hổng trong kê khai tài sản, cần phải đưa vào diện kê khai cả những người là người thân của những người có cương vị, chức vụ có khả năng tham nhũng. Đã kê khai tài sản thì cần làm rõ nguồn của tài sản, cần phải xác minh tài sản đó từ đâu mà có, người kê khai cũng phải giải trình nguồn tài sản, chứ không chỉ kê khai... suông, nếu không giải trình được thì phải xử lý, thu hồi tài sản.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thu nhập cũng phải làm hết sức chặt chẽ, đồng thời cần phải có quy định để nhân dân được giám sát việc kê khai tài sản. Tóm lại là cần  thực hiện hàng loạt các biện pháp mới để cải cách công tác kê khai tài sản thì mới mong biện pháp hỗ trợ phòng chống, phát hiện tham nhũng này đi vào thực chất. Chứ nếu chỉ dựa vào sự trung thực của người kê khai thì bao giờ tài sản kê khai cũng là: “Không có gì”!