Kế hoạch "thôn tính" sao hỏa của các tỉ phú

ANTĐ - Elon Musk, một tỉ phú người Mỹ và là đồng sáng lập viên của SpaceX, tuyên bố đang phát triển một loại động cơ tên lửa được thiết kế cho các chuyến bay lên sao hỏa. 

Theo tính toán của ông thì chi phí cho mỗi lần đưa một “người khai hoang” đến hành tinh đỏ sẽ tốn khoảng nửa triệu đô-la Mỹ. Những “người sao hỏa” tương lai sẽ chịu toàn bộ chi phí cho chuyến đi.

“Giá vé sẽ đủ thấp để phần lớn những người ở các nước phát triển tầm 45 tuổi có đủ khả năng chi trả được”, Musk tuyên bố tại một hội thảo của Hội khoa học vũ trụ Hoàng gia (Anh). Giá vé 500.000 USD tương đương một ngôi nhà ở California.

Trong khi đó, các số liệu cho thấy đa số người Mỹ không có khả năng tiết kiệm được số tiền trên khi họ đến 45 tuổi. Hơn nữa, mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình Mỹ đã không tăng tính từ năm 1975. Thậm chí ở những nước phát triển thì cũng sẽ không có nhiều người sẵn sàng để đi “thôn tính” hỏa tinh. Độ tuổi trung bình đó cũng không phải là phù hợp nhất để trở thành “nhà du hành”. Ở độ tuổi 45, cơ thể không còn dễ dàng đi vào không gian và thích nghi với những điều kiện không mấy dễ chịu ở một hành tinh khác.

Tuy nhiên, Musk có ý tưởng riêng về vấn đề này: “Chúng ta hãy tính toán từ khởi đầu của quá trình khai phá này, bắt đầu chỉ có một trong số 100.000 người sẵn sàng trả tiền cho một vé đi sao hỏa. Rất có khả năng dân số khi đó đã lên tới 8 tỉ người. Như vậy, chúng ta có khoảng 80.000 người khai phá tiềm năng sẵn sàng mua số vé trị giá lên tới 40 tỉ USD. Số tiền này đủ để xây dựng một thuộc địa đầu tiên trên sao hỏa với quy mô bằng một thành phố nhỏ trên trái đất. Cơ sở hạ tầng cơ bản trên sao hỏa sẽ phải được chuẩn bị, song chi phí cho việc này sẽ thấp hơn so với việc vận chuyển người lên".

Việc đưa những “người khai hoang” lên sao hỏa cho đến giờ vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy thử thách. Thậm chí một tàu không gian tên lửa cỡ như Falcon-9 cũng khó lòng thực hiện được nhiệm vụ này. Hiện SpaceX đang phát triển một tàu không gian có tên MCT (Mars Colony Transport). Con tàu này chạy bằng động cơ khí metan chu trình kín.

Không giống Falcon-9, trong các động cơ được sử dụng trong động cơ mới, khí sẽ không thải ra môi trường, mà lại được đưa trở lại buồng đốt, nhờ đó tăng hiệu suất cho động cơ. Không những thế, khí metan rẻ hơn nhiều so với hydro, việc này rất quan trọng khi phải bay thường xuyên. Metan cũng dễ dàng lưu trữ ở nhiệt độ cao trong khi ở nhiệt độ này hydro lỏng có thể làm cho các bình chứa nhiên liệu trở nên giòn.

Vấn đề quan trọng nhất là metan không phải được lấy từ trái đất mà nó có thể lấy trực tiếp từ sao hỏa bằng cách sử dụng vi khuẩn kị khí trên mặt đất và những chất nền có sẵn. Theo lý thuyết, hydro cũng có thể sản xuất được trên sao hỏa, nhưng vì khả năng này chỉ có thể xảy ra trong quá trình điện phân nước có trên sao hỏa dưới lớp cát đang ở dạng băng, quá trình này sẽ phức tạp và tốn năng lượng hơn nhiều.

Cũng theo Elon Musk, việc sử dụng một con tàu có khả năng “tái sử dụng” để trở về trái đất trong giai đoạn khai phá đầu tiên là không khả thi vì khoảng cách giữa trái đất và sao hỏa là thay đổi liên tục. Chuyến tàu đầu tiên sẽ không chuyên chở được nhiều người. phần lớn các khoang được dành cho vật liệu xây dựng nhà vòm điều áp làm nơi trú ngụ cho người, để cây cối và phân bón. Họ hi vọng có thể mang thêm những nguồn cung cấp oxy và nước. Nước cũng là chất chống phóng xạ ở hành tinh đỏ vốn cao hơn trên trái đất.

Ý tưởng này nói chung là tương đối khả thi. Vấn đề là khả năng tìm được 80.000 người sẵn sàng là những người tiên phong chinh phục hành tinh xa xôi hay không và tất nhiên còn là tiền, kèm theo nào là các chuyên gia khoa học kỹ thuật, giáo viên, bác sĩ, nhà tâm lý học và thậm chí là nhân công.

Để đáp ứng được yêu cầu trong một loạt các vấn đề đó cần phải có một biện pháp đưa người lên rẻ hơn, giá vé cho một chuyến lên sao hỏa cũng không thể là nửa triệu đô-la như thế. Cho đến nay chưa người nào trong giới lắm tiền nhiều của vội vã đầu tư vào dự án siêu đắt đỏ này.