Kẽ hở gói hỗ trợ

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập thấp và có nhu cầu thật sự về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu nhà ở xã hội, gói 30.000 tỷ đồng này là quá nhỏ. Song, vốn cho vay doanh nghiệp là vốn “mồi” để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp. Sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng ở con số này.

Quan điểm của Bộ Xây dựng như vậy, nhưng có nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về việc triển khai gói hỗ trợ này. Không chỉ doanh nghiệp, chủ đầu tư, khách hàng mà hầu hết các nhân viên tư vấn đều kêu ca các thủ tục cho vay còn nhiều vướng mắc. Nhiều chủ đầu tư rất muốn tiếp cận gói tín dụng, nhưng họ gặp khó khăn trong khâu làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Các ngân hàng đã chấp nhận cho người vay sử dụng chính căn hộ làm tài sản bảo đảm, nhưng lại rất khó khăn trong việc xác định đối tượng được vay.

Theo Phó Giám đốc Công ty Bất động sản CBRE Việt Nam, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không thể giải quyết được gốc rễ của thị trường bất động sản khi chỉ tập trung vào phân khúc nhà bình dân. Trong khi đó, hết quý I-2013, tổng giá trị hàng tồn kho của các công ty bất động sản ước khoảng 112.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm trong phân khúc nhà trung và cao cấp. Hơn thế, cơ chế không rõ ràng giữa người mua đủ điều kiện, ngân hàng và các chủ đầu tư đủ điều kiện cộng với thủ tục vay vốn phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách này. Trên thực tế, việc thực hiện gói hỗ trợ là tương đối chậm trễ và có nhiều quy định khá khắt khe khiến việc tiếp cận khoản tín dụng này trở nên khó khăn. Không ít ý kiến cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng chỉ lấy danh nghĩa để “cứu” doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Xây dựng đã phải lên tiếng “thanh minh” rằng, trong 30 dự án được Bộ đề xuất, chỉ có 4 dự án của 3 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là các dự án của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần. Như vậy không có chuyện Bộ Xây dựng ưu ái cho doanh nghiệp “ruột”. Kỳ vọng của người dân được vay lãi suất 6% từ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ ngày càng trở nên xa vời khi trên thị trường, những dự án nhà đủ điều kiện để vay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những dự án đủ điều kiện, có giá dưới 15 triệu đồng/m2 đều cách xa trung tâm 15-20km. Một thực trạng đáng lo ngại là, các căn hộ công bố giá bán 15 triệu đồng/m2 đã bị “cò” hét giá chênh lệch tới 125 - 200 triệu đồng/căn. Bản thân các sàn giao dịch mua lại từ chủ đầu tư cũng chịu giá chênh lệch 50 triệu đồng/căn. Nhiều căn hộ được mở bán với giá 12-14 triệu đồng/m2, nhưng người dân muốn mua đều phải trả tiền chênh lệch 80-120 triệu đồng/căn. Với mức chênh này, dù có được vay vốn ngân hàng, người mua chẳng được lợi gì vì phần lãi suất được Nhà nước hỗ trợ lại rơi vào tay “cò”.