IMF chi 2,2 tỷ euro cứu Hy Lạp

ANTĐ - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phê chuẩn khoản tiền 2,2 tỷ euro (3 tỷ USD) cứu trợ cho Hy Lạp, một phần trong khoản cứu trợ chung giữa IMF và Liên minh châu Âu để giúp nước này tránh nguy cơ
phá sản.

Đi kèm với khoản giải ngân là kế hoạch thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo

Gói cứu trợ mới đưa tổng số tiền mà EU-IMF đã giải ngân hỗ trợ cho Hy Lạp lên 22,3 tỷ euro. Đây là khoản cứu trợ thứ sáu trong gói cứu trợ thứ nhất của IMF và EU cho Hy Lạp. Động thái trên diễn ra sau khi Ban giám đốc điều hành IMF hoàn tất việc đánh giá hoạt động kinh tế của Hy Lạp theo điều kiện đặt ra trong khoản vay giải cứu trị giá 110 tỷ euro của IMF - EU hồi năm ngoái dành cho Hy Lạp. “Hy Lạp đã đạt được thành tựu đáng kể về tín dụng, bao gồm cả khoản cắt giảm thâm hụt tài chính lớn. Tuy nhiên, chương trình này đang trong giai đoạn khó khăn, với những cải cách cơ cấu diễn ra chậm chạp, nền kinh tế yếu và những khó khăn từ bên ngoài” - bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF cho biết.

Khoản tiền trên sẽ được giải ngân ngay lập tức cho Athens. Đi kèm với nó là điều kiện Hy Lạp phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo, tuân thủ các biện pháp nhằm làm giảm thâm hụt ngân sách. “Việc xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc và xác nhận các mục tiêu chương trình, chính sách của các chính đảng là một bước quan trọng. Chính phủ mới phải kiên định thực hiện chương trình, đó là cách tốt nhất để giúp Hy Lạp kiềm chế những rủi ro hiện đang phải đối mặt” - bà Largde nói. Khủng hoảng  nợ công tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua ở Hy Lạp đã khiến Thủ tướng George Papandreou phải từ chức hồi tháng 11 và Chính phủ liên hiệp mới đã được thành lập. Nhiệm vụ khó khăn nhất của Chính phủ Thủ tướng Lucas Papademos là thực hiện các biện pháp khắc khổ nhằm đảm bảo nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ châu Âu và IMF.

Trước đó, Mỹ cũng tái cam kết hỗ trợ Hy Lạp vượt qua khủng hoảng nợ công. Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã đưa ra tuyên bố này ngày 5-12 tại Athens trước cuộc gặp Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos. Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh Washington sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp bằng mọi cách bởi Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của IMF. Vì vậy, việc Hy Lạp thoát khỏi được cuộc khủng hoảng hiện nay và vẫn là thành viên mạnh, quan trọng của Liên minh châu Âu rõ ràng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay đã vượt ra ngoài biên giới Hy Lạp và châu Âu, vì vậy sự tham gia khắc phục khủng hoảng của Mỹ là rất quan trọng.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm kiếm sự thống nhất nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng trong khu vực này tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Brussels vào ngày 8 và 9-12. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 5-12 đã có cuộc gặp nhằm thúc đẩy việc thay đổi hiệp ước của Liên minh châu Âu để thắt chặt hợp tác kinh tế, ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng.