- Hy Lạp điều tra nghi án hối lộ của hãng dược phẩm Novartis
- Ông Putin cảm ơn "người bạn cũ" Hy Lạp
- Nhiều người nhập cư Hy Lạp "bán thân" để tồn tại
Biểu tình phản đối những biện pháp kinh tế khắc khổ thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ đã gây ra những bất ổn xã hội tại Hy Lạp
Phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp ngày 18-1, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã bác bỏ khả năng áp dụng các biện pháp bổ sung để kết thúc việc xem xét lần thứ hai về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp. Lý do của việc từ chối tiếp tục “uống liều thuốc đắng” như yêu cầu của các nhà tài trợ, theo Thủ tướng Tsipras, là đến nay Hy Lạp đã đạt các mục tiêu mà chương trình kinh tế khắc khổ đặt ra và đạt tiến bộ, gần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 7 năm qua.
Từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ công nặng nề nhất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Hy Lạp đã phải 3 lần yêu cầu các nhà tài trợ quốc tế, chủ yếu là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ra tay cứu trợ. Trong đó, gói cứu trợ đầu tiên và cũng là gói cứu trợ giá trị lớn nhất, 240 tỷ euro (gần 295 tỷ USD), được thông qua vào năm 2010; gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro vào tháng 2-2012.
Dù đã “xài” hết hai “liều thuốc đắng” có tổng giá trị tới 370 tỷ euro song vẫn chưa thể chữa trị được “căn bệnh trầm kha” khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Điều này buộc Hy Lạp vào tháng 7-2015 lại phải một lần nữa “cầu cứu” ECB và IMF cung cấp gói cứu trợ kinh tế thứ ba, trị giá 86 tỷ euro, tương đương 96 tỷ USD.
Từng chịu không ít đau khổ của hai gói cứu trợ đầu tiên, Hy Lạp buộc phải “gồng mình” tiếp tục tiến hành các biện pháp cải cách “đau đớn” vốn bị người dân nước này phản đối ngay từ khi chấp nhận gói cứu trợ đầu tiên. Theo đó, Hy Lạp phải thực hiện hàng loạt các biện pháp kinh tế khắc khổ mà nước này từng từ chối trước đó như cải cách lương hưu, tăng tuổi về hưu, cắt giảm ngân sách quốc phòng, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Từ cuối năm 2016, khi nhìn thấy những tín hiệu khả quan của nền kinh tế như tăng trưởng dương, tỷ lệ thất nghiệp giảm…, Chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã không tiếp tục thực hiện các cam kết “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba. Chính phủ Hy Lạp đã quyết định hoãn tăng thuế tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi những người nhập cư, đồng thời chi 617 triệu euro tiền phúc lợi cho hàng triệu người về hưu vốn đã bị cắt giảm tới 1/3 lương hưu… nhằm giảm áp lực căng thẳng xã hội.
Tuy nhiên, những biện pháp nới lỏng chính sách kinh tế khắc khổ của Chính phủ Hy Lạp đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối từ phía những chủ nợ. Cả hai chủ nợ lớn nhất của ba gói cứu trợ là ECB và IMF cùng yêu cầu Hy Lạp áp dụng các biện pháp cải cách và “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa bởi chỉ có như vậy mới đảm bảo khả năng Athens có thể trả được nợ như cam kết khi nhận các gói cứu trợ kinh tế.
Động thái mới của chính quyền Thủ tướng Tsipras có thể gây khó cho việc tiếp tục giải ngân gói cứu trợ thứ ba vốn đến năm 2018 mới chấm dứt. Điều này cũng khiến cuộc khủng hoảng nợ có nguy cơ tái phát bởi đến nay nợ công của Hy Lạp vẫn là hơn 300 tỷ euro, tương đương 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).