![]() |
Thượng tá Đặng Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Đây là hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời khẳng định quyết tâm của huyện Gia Lâm trong việc chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ cháy, nổ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thượng tá Đặng Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhấn mạnh: “Việc tổ chức mở lớp tập huấn, tuyên truyền nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho người đứng đầu cơ sở, lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở là công tác trọng tâm, thường xuyên nhằm thực hiện nguyên tắc đã được quy định trong Luật Phòng cháy chữa cháy. Theo đó, mọi hoạt động đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trước hết phải thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện chữa cháy tại chỗ”.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Để thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa và hạn chế cháy, nổ, việc trang bị kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống và pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người đứng đầu cơ sở và cán bộ phụ trách công tác phòng cháy chữa cháy các địa bàn cơ sở là khâu then chốt, thường xuyên, cơ bản góp phần hạn chế hậu quả do cháy, nổ gây ra.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thực hiện cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát động bắt đầu từ ngày 15-4-2025 đến 30-6-2025, tập trung cao độ vào tuyên truyền - hướng dẫn - kiểm tra - khắc phục các tồn tại về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với 100% hộ gia đình, cơ sở có nguy cơ cao như: Nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh; Nhà trọ, cơ sở cho thuê có người lưu trú qua đêm.
![]() |
Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung cơ bản về công tác PCCC và CNCH với từng lĩnh vực cơ sở phù hợp với đối tượng tham gia tập huấn |
Tại hội nghị, Thiếu tá Hoàng Đức Mạnh, Phó Đội trưởng Tổ địa bàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Gia Lâm - báo cáo viên đã hướng dẫn các nội dung cơ bản về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với từng lĩnh vực cơ sở phù hợp với đối tượng tham gia tập huấn. Đặc biệt, báo cáo viên đã nhấn mạnh vào các nhóm giải pháp cấp thiết tăng cường an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Cụ thể, các giải pháp phòng cháy; Tăng cường giải pháp thoát nạn; Giải pháp ngăn chặn cháy lan; Giải pháp cảnh báo cháy sớm; Trang bị phương tiện chữa cháy.
Ngoài ra, các học viên cũng được giới thiệu và thực hành sử dụng một số phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cơ bản đã trang bị tại cơ sở như: Hệ thống báo cháy, lăng vòi chữa cháy, hệ thống cảnh báo cháy nhanh, bình chữa cháy xách tay,... Đặc biệt, các học viên đã tham gia trải nghiệm thực hành một số giải pháp thoát nạn khẩn cấp như thang dây, dây hạ chậm.
![]() |
Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn học viên sử dụng thang dây thoát nạn từ trên cao |
Thông qua hội nghị tuyên truyền, tập huấn đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của người dân, người đứng đầu cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Kiến thức trong chương trình tập huấn là những tình huống sát với thực tế, rất thiết thực, từ đó mỗi người dân là hạt nhân thúc đẩy, nhân rộng phát triển phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn huyện.
Đây là lớp đầu tiên trong đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức trên địa bàn huyện Gia Lâm. Giai đoạn tiếp theo, các lớp tuyên truyền, tập huấn sẽ tiếp tục được tổ chức hàng tuần tại trụ sở Tổ địa bàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Gia Lâm và trực tiếp tại các khu dân cư.