Huấn luyện “chúa tể bầu trời”

ANTĐ - “Chim săn mồi không phải là thú nuôi. Chúng chỉ coi người nuôi là nguồn cung cấp thức ăn. Nếu cho chim ăn quá nhiều, chúng sẽ không còn nghe lời chủ nhân, thậm chí bỏ đi. Chính vì thế, huấn luyện chim săn được coi như một môn thể thao đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và rất công phu” - Trần Phương Nam - sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Kiến trúc nói về thú chơi độc đáo này.

Môn thể thao mới lạ

Trần Phương Nam và chú chim săn của mình

Bị “quyến rũ” bởi hình ảnh của những con đại bàng trên bầu trời thảo nguyên qua bộ truyện về Thành Cát Tư Hãn, ngay từ nhỏ, Trần Phương Nam đã mơ ước được sở hữu một chú chim săn đầy oai hùng, dũng mãnh. Năm 2007, chàng trai này tình cờ đọc được một vài tài liệu của nước ngoài trên mạng internet về việc huấn luyện những con chim săn mồi. Sự tò mò kết hợp với mơ ước từ thuở nhỏ đã thôi thúc Nam tìm đến với chú chim săn mồi đầu tiên. Nam chia sẻ: “Huấn luyện chim săn là một thú chơi không hề tốn kém. Hồi bắt đầu chơi, mình chỉ mất có 70 nghìn đồng để mua con chim Ưng Ấn Độ”. Khi mua về rồi, anh chàng này chỉ nghĩ đơn thuần là cho chim ăn thịt sống rồi sẽ dần dần thuần hóa. Ngày qua ngày, con chim săn oai hùng cứ yếu dần đi rồi cuối cùng giằng đứt dây, bay mất. Không nản chí, Nam quyết định tìm đọc thêm tài liệu để chuẩn bị cho lần nuôi tiếp theo. Càng đọc, Nam càng vỡ lẽ ra rằng, việc huấn luyện chim săn cần có nhiều phụ kiện kèm theo và thức ăn của chúng phải luôn được thay đổi để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. 

Đến nay, sau 5 năm theo đuổi bộ môn này, Nam đã quy tụ được một nhóm hơn 10 thành viên cùng có chung niềm đam mê. Tuy nhiên, để trở thành một thành viên của câu lạc bộ không đơn giản. Các thành viên mới phải trải qua một đợt kiểm tra những hiểu biết về cách chăm sóc chim. Chỉ khi vượt qua “cửa ải ” này, họ mới được các thành viên trong câu lạc bộ tư vấn chọn loài huấn luyện cũng như chuẩn bị các phụ kiện sao cho phù hợp. Phương Nam cho biết: “Nhiều nước trên thế giới đã coi việc huấn luyện chim săn như một bộ môn thể thao truyền thống. Ở Mỹ, những người muốn tham gia phải học lý thuyết tại các trường đào tạo, giúp việc cho người có chuyên môn rồi tham dự các kỳ thi để được cấp bằng chứng nhận huấn luyện viên. Thậm chí, ở các nước Trung Đông, người ta còn mở hẳn một bệnh viện và  buộc người tham gia huấn luyện phải đem những chú chim săn mồi đến khám hàng tuần”.

Sống chết cùng niềm đam mê

Việc chọn loài chim để huấn luyện là cả một vấn đề. Người ta chỉ chọn huấn luyện những loài, những dòng có khả năng săn mồi tốt, dáng bay đẹp. Mỗi loài đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Nếu Diều hâu bị coi chậm chạp, chỉ thích hợp với những kẻ “non tay” thì chim Cắt và chim Ưng rất được ưa chuộng bởi chúng biết nghe lời, nhanh nhẹn và rất nhạy cảm với con mồi. Chim Cú cũng được những người trong nghề đánh giá cao bởi sự thông minh. Tuy nhiên, ít ai chọn loài này để huấn luyện bởi người Việt Nam có quan niệm: chim Cú đem lại những điều không may mắn.

Chim săn chỉ cần cho ăn một bữa mỗi ngày. “Thực đơn” của chúng bao gồm: chuột bạch, chim cút, chẫu chuộc, lươn, nhái hay các loại côn trùng. Người chơi cần phải tìm ra “cân nặng lý tưởng” của mỗi loài chim để tính được lượng thức ăn mỗi ngày sao cho phù hợp. Nếu trọng lượng của chim thấp hơn số cân nặng này, chúng sẽ bị suy nhược cơ thể. Ngược lại, nếu cho ăn nhiều hơn định mức, thái độ của chúng với người chủ sẽ thay đổi tiêu cực hay thậm chí là luôn muốn bay đi vì không còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn.

Những chủ nhân có kinh nghiệm thường kết hợp bài tập cho chim săn vào mỗi bữa ăn. Hai bài tập cơ bản cho chúng là gọi về bàn tay và tập cùng mồi giả. Mục đích của hai bài tập này nhằm hãm lại bản năng tự nhiên của chim săn, buộc cho chim săn phải tuân lệnh chủ nhân. Cứ vào cuối tuần, nhóm bạn của Trần Phương Nam lại kéo nhau về các vùng ngoại ô để huấn luyện. Mỗi chuyến đi như vậy cũng cần chuẩn bị rất kỹ càng. Hai phụ kiện tối cần thiết khi di chuyển cùng chim săn là găng tay da và mũ trùm đầu. “Móng vuốt của các loài chim săn mồi rất sắc. Khi đậu trên tay trần, móng của chúng có thể cắm sâu vào da thịt của huấn luyện viên. Còn nếu không có mũ bịt mắt, chúng sẽ ghi nhớ đường đến những địa điểm có nhiều thức ăn và bỏ trốn đến đó” - chàng sinh viên này giải thích. Ở nước ngoài, các phụ kiện đều có giá 40 - 50 USD nhưng tại Hà Nội, các thành viên trong CLB huấn luyện chim săn thường tự làm và trao đổi phụ kiện cho nhau.

Hiện tại, nhóm bạn chơi chim săn của Nam đang nghiên cứu, tiến hành cho chim Ưng Ấn Độ và chim Cắt lưng hung sinh sản. Để thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng chơi chim là “cầm tù” chúng, nhóm bạn này quyết định sẽ đi theo con đường bảo tồn các loài chim, cứu hộ, chăm sóc và trả lại tự do cho những con chim bị săn bắt và bán tại mỗi phiên chợ.