HSBC: Sản xuất có thể phục hồi trong những tháng tới

ANTĐ - Đây là nhận xét được các chuyên gia Ngân hàng HSBC đưa ra tại báo cáo Kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam trong tháng 11.
Tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm 


Theo đánh giá của HSBC, tăng trưởng của Việt Nam còn chậm nhưng ngày càng chuyển biến tốt hơn. Sản lượng, đơn hàng mới, nhân công việc làm và số lượng hàng mua đều tăng. Giá cả đầu vào giảm phản ánh tình hình lạm phát đã giảm tốc từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5,9% trong tháng 10.

Tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp. Tăng trưởng cả năm 2013 đang được kỳ vọng ở mức 5,2%. HSBC cũng đưa ra dự báo rằng, mặc dù đà hồi phục hy vọng sẽ tiếp tục trong năm 2014, nhưng mức tăng trưởng cũng chỉ có thể tăng nhẹ lên 5,4%.

Việc Chính phủ thúc đẩy thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào ngành sản xuất, được xem là tích cực. Từ tháng đầu năm đến nay, dòng vốn FDI đăng ký đã tăng 95,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 13,1 tỷ USD.

Dòng vốn FDI vào ngành sản xuất còn tốt hơn, tăng 136,5% đạt 9,3 tỷ USD. Điều này giúp tăng nhu cầu lao động và thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu – các yếu tố cần thiết để bù đắp tình trạng nhu cầu nội địa trì trệ.

Giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thúc đẩy cải cách các doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao phát triển cơ sở hạ tầng đang là những vấn đề trọng tâm. HSBC cho rằng: “Đường lối thực hiện đã rất rõ ràng, vấn đề ở đây chỉ là tốc độ thực hiện”.

Báo cáo đánh giá, một trong nhưng nguy cơ đối với lạm phát trong những tháng tới có lẽ xuất phát từ giá cả thực phẩm tăng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát dường như sẽ được kiềm chế nhờ vào giá cả hàng hoá toàn cầu thấp và từ đó sẽ giúp chi phí vận chuyển giảm xuống. Ngoài ra, nhu cầu trong nước vẫn còn chậm chạp sẽ giúp kiềm hãm áp lực lạm phát.

Trong khi lĩnh vực xuất khẩu đã cảm nhận được lực đẩy từ nhu cầu nước ngoài, nhu cầu trong nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống ngân hàng đang bị đóng băng làm giảm nhu cầu tiêu thụ.