Hồn nhiên cho thuê, “bán” cả vỉa hè

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài: “Vỉa hè trước cửa, cứ tưởng của mình”, nhiều bạn đọc đã gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ tiếp tục phản ánh hành vi ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè của một số hộ gia đình, bất chấp các quy định của pháp luật, đặc biệt là ở khu vực phố cổ Hà Nội.

Người bán nước mía và hàng ăn ngay tại ngã tư Hàng Ngang - Hàng Bạc

Làm lợi riêng trên đất công

Dạo một vòng quanh phố cổ chiều 31-3, chúng tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu hàng ăn, hàng tạp hóa, quán cà phê… ngang nhiên sử dụng vỉa hè như phần diện tích thuộc sở hữu riêng của gia đình mình. Tại phố Lý Quốc Sư – đoạn từ số nhà 20 đến ngã tư Hàng Bông, một số hộ kinh doanh bán hàng ăn, trà chén bày bàn ghế, thậm chí đun nấu ngay trên vỉa hè. Đây là cũng là nơi tập trung khá đông những người bán hàng rong đứng ngay dưới lòng đường. Sát đó, ở phố Hàng Bồ - khu vực ngã tư giao cắt với phố Bát Đàn, do diện tích sinh sống của các hộ dân trong khu vực khá chật chội nên nhiều gia đình đã tận dụng nốt không gian vỉa hè làm đủ mọi việc riêng.

 Đoạn vỉa hè ngã tư Hàng Ngang – Hàng Bạc từ lâu đã trở thành điểm bán nước mía, hàng ăn tập trung khá đông người. Khách không chỉ ngồi tràn lan trên vỉa hè mà còn để xe dưới lòng đường. Do đây là nút giao thông có mật độ phương tiện đi lại dày đặc nên vào những giờ cao điểm, khu vực này thường xảy ra ùn tắc. Còn tại phố Lương Ngọc Quyến (đoạn từ số nhà 57-61) khá nhiều quán bia hơi, cà phê, hàng ăn đã kê bàn ghế chật kín vỉa hè khiến người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường. Anh Thomas Cutler – một du khách người Mỹ cho biết, đến Hà Nội, anh rất yên tâm về vấn đề an ninh nhưng lại lo lắng cho sự an toàn của mình mỗi khi đi bộ. Anh băn khoăn: “Thật khó để phân biệt đâu là vỉa hè, đâu là đường. Bởi hầu hết khách bộ hành đều phải tham gia giao thông dưới lòng đường cùng xe máy, ô tô và các phương tiện giao thông khác. Đối với tôi, việc đi dạo trong phố cổ chẳng khác nào tham gia trò chơi mạo hiểm”.

Bên cạnh hàng ăn, hàng rong thì hình ảnh khá phổ biến ở khu vực phố cổ là những quán trà đá mọc lên ngay trên vỉa hè. Có thể nói, đây là một “kênh phân phối” rất hiệu quả trà đủ loại với hệ thống các “đại lý” là các quán trà chén ở khắp nơi, từ ngõ nhỏ ra mặt đường, cho tới vỉa hè, công viên, vườn hoa thậm chí cả trên đường giao thông… Về nguyên nhân dẫn tới sự nở rộ của những quán trà chén trong thời gian gần đây, đa số các hộ kinh doanh đều đổ lỗi cho kinh tế khó khăn, không có điều kiện thuê diện tích kinh doanh…

Quây kín vỉa hè để bán nước, nấu ăn trên phố Lương Ngọc Quyến

Lộn xộn và nhếch nhác

Điều đáng nói là không ít hộ gia đình còn coi vỉa hè là tài sản của chính mình và dù không có giấy tờ chứng minh sở hữu, họ vẫn ngang nhiên sang nhượng lại bằng… miệng với giá khá cao. Đắt đỏ nhất là những đoạn vỉa hè gần trường đại học, bệnh viện, công viên, sân bóng hoặc phố mua sắm... Ông L.V - chủ một cửa hàng bán bún riêu trên phố Hàng Buồm cho hay, nhà nào có vỉa hè rộng, tập trung ở những con phố buôn bán sầm uất thì chẳng cần làm gì cũng có tiền. Những người kinh doanh muốn được bày bán hàng hóa trước cửa nhà họ sẽ bị chủ nhà tính phí, rẻ thì vài trăm nghìn, đắt cũng lên tới tiền triệu. Kinh doanh trên vỉa hè vốn đã vi phạm pháp luật, nhưng “phép vua thua lệ làng”, trước khi được chính quyền cho phép thì người kinh doanh phải có ý kiến với chủ nhà. Ngoài việc nộp khoản phí này, họ còn phải chi phí thêm để giữ được chỗ bán hàng. Do đã phải bỏ tiền “đầu tư”, nên bất cứ ai khi dừng kinh doanh cũng muốn bán lại chỗ ngồi để thu vốn. “Chỗ tốt phải bỏ tiền ra mua, tùy theo diện tích và việc có đắt hàng hay không, còn những chỗ vắng khách, tuy có thể ngồi thoải mái, nhưng có khi cả ngày chỉ ngồi đuổi ruồi”- ông V cho biết.

Du khách phải đi xuống lòng đường ở phố Lý Quốc Sư

Anh L.Đ.T - một trong những người bán trà chén ở gần một bệnh viện  trên phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, hơn chục năm mưu sinh trên vỉa hè, anh đã chứng kiến rất nhiều vụ xô xát vì tranh nhau “đất làm ăn”. Có nhiều người chỉ vì ghen tức khi bị lấn diện tích kinh doanh mà hằm hè, lườm nguýt nhau cả ngày. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Anh có biết việc kinh doanh này là vi phạm pháp luật?”, anh T cười trừ rồi lảng sang chuyện khác. 

Mặc dù thói quen buôn bán vỉa hè đã  đi sâu vào nếp sống của người Hà Nội, nhưng trong điều kiện hiện nay, khi giao thông Hà Nội còn nhiều bất cập thì việc kinh doanh trên vỉa hè không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, tạo ra hình ảnh một Hà Nội nhếch nhác, lộn xộn trong con mắt khách du lịch quốc tế. Đây cũng là một trong những lý do khiến không ít du khách một đi không trở lại…