Mưa lũ miền Trung:

Hơn 5000 ngôi nhà nhấn chìm, 5 người chết, hàng chục người bị thương

ANTĐ - Tính đến thời điểm này trận mưa lụt vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã làm 20 người thương vong, hàng chục nghìn ha lúa đang vào vụ thu hoạch bị ngập... nhiều tỷ đồng trôi theo dòng nước.

Nghệ An: Hơn 3 nghìn ngôi nhà bị ngập, 14 nghìn ha lúa bị ngập

Đến sáng 8-9 mưa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có giảm hơn so với những ngày trước nhưng diễn biến vẫn hết sức phức tạp. Lũ trên Sông Cả và Sông Hiếu đang lên nhanh...

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An tính đến cuối ngày 7-9 trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết gồm: cháu Nguyễn Văn Nam (SN 2008, xóm 14, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu) và anh Phạm Văn Giáp (SN 1994, xóm 12, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ) bị lũ cuốn trôi ngày 6-9 đã tìm thấy xác, người còn lại là anh Lang Văn Bắc (SN1991, thôn Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn) hiện chưa tìm thấy xác. 7 người bị thương (5 người huyện Anh Sơn, 2 người huyện Yên Thành).

Về cơ sở hạ tầng đã có 3 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi; 3.667 nhà bị ngập chìm trong nước (trong đó có 4 xóm của xã Long Thành, huyện Yên Thành bị cô lâp); 14.101ha lúa bị ngập; 6.514,76ha rau màu bị thiệt hại; 592,27ha cây công nghiệp và cây ăn quả thiệt hại; 1612,6 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; Hàng trăm km công trình giao thông, công trình thủy lợi bị nước lũ tàn phá hư hỏng sạt lở nặng. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng có báo cáo nhanh hồi 14h ngày 7-9 tình hình ngập lụt trên một số tuyến đường như sau: Tỉnh lộ 534: nước ngập sâu 0,85m tại đoạn Km10+800. Cầu tràn Hiếu sâu 4,2m tại đoạn Km52+300; cầu Tràn Dinh sâu 1,6m tại đoạn Km56+900.

Nhiều tuyến đường giao thông ngập trong nước

Sáng 8 -9 phóng viên có mặt tại tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn Km 668 thuộc địa phận xóm 7, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An cũng thấy xuất hiện tình trạng sạt lở đất taluy bên đường mòn Hồ Chí Minh. Một khối lượng hàng chục khối đất đã sạt bắt đầu tràn xuống mặt đường, phía trên đang có nguy cơ sạt lở tiếp nếu như trời tiếp tục mưa và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông qua khu vực này. Tuy nhiên chưa thấy đơn vị giao thông xử lý tình trạng này!?

Cũng đến tính đến sáng 8-9, tại 2 huyện Yên Thành và Đô Lương là 2 địa phương bị ngập lụt nặng nhất trên địa bàn Nghệ An.

Huyện Yên Thành là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất: Nhiều xóm trên địa bàn huyện bị cô lập trong biển nước. Ban chỉ huy quân sự huyện phải dùng canô để phát mì tôm cho dân. Theo báo cáo của Ban PCLB huyện Yên Thành, đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 4.824 ha lúa bị ngập, chưa có thống kê cụ thể nhưng thiệt hại rất nặng nề.

Tại huyện Đô Lương trong những ngày qua lượng mưa lên tới xấp xỉ 550 mm đã làm trên nhiều nơi của huyện bị ngập nặng. Đến sáng 8 -9 trên địa bàn huyện Đô Lương đã có ít nhất 7 xóm (tại xã Nhân Sơn và các xã khác) bị cô lập, 2.500 ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng. Thực hiện khẩu hiệu "xanh nhà hơn già đồng" trong vài ngày qua hàng nghìn bà con trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ra đồng gặt lúa chạy lụt mong vớt vát được chút ít, tuy nhiên do nước đổ về quá nhanh nên dường như bà con không kịp trở tay.

Chị Phạm Thị Lan, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An người ướt đẫm sau mấy giờ đồng hồ ngâm mình dưới nước lụt để gặt vớt ruộng lúa đang bị ngập úng buồn bã: "Nhà tui nóng ruột thấy mọi người đều chạy lụt đi gặt lúa thì cũng đi gặt theo rứa thôi, chứ lúa còn xanh lắm mà nước lên quá nhanh. Mò mẫm dưới nước gần buổi trời mà vớt được có mấy ôm lúa, lúa này về rồi cũng hỏng hết thôi. Năm nay mất mùa trắng tay thật rồi...".

Người dân phải di chuyển bằng thuyền

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, trong ngày 7-9, nhiều trường trên địa bàn Nghệ An học sinh phải nghỉ học. Tại huyện Anh Sơn có 16 trường phải cho học sinh nghỉ học, Thanh Chương 25 trường, Nam Đàn 10 trường, Hưng Nguyên 6 trường, riêng huyện Nghi Lộc, hầu hết các trường đã nghỉ học vì mưa lũ.

Mặc dù mưa trên địa bàn đã giảm nhưng lũ lụt vẫn đang hết sức phức tạp, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thành thị, đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tích cực phối hợp với nhân dân để khắc phục hậu quả lũ lụt gây ra sớm ổn định đời sống cho nhân dân.

Hà Tĩnh: Gần 29 tỷ đồng trôi theo dòng nước

Tại tỉnh Hà Tĩnh cho biết từ ngày 4-7/9 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa mưa to có nới mưa rất to. Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu, công trình...

Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh tính đến tối ngày 7-9 trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết gồm: cháu Nguyễn Hữu Tuấn Vũ (SN 2002 tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà) bị nước cuốn trôi lúc 8h30 ngày 5-9) và  anh Trần Văn Hanh (53 tuổi ở xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân) bị sét sáng ngày 6-9 cùng 8 người bị thương tại huyện Hương Khê (Hương Đô 7 người và Gia Phố 1 người).

Người dân vội vàng gặt lúa sớm

Toàn tỉnh đã có 1.500 hộ dân thuộc các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Đô, Gia Phố huyện Hương Khê bị ngập chìm trong nước, nhiều khu dân cư bị cô lập. Nhiều đường giao thông bị ngập nặng trong đó các huyện miền núi  như: Vũ Quang, Hương Khê và vùng ngoài đê huyện Đức Thọ là bị ngập nặng nhất.

Trong đó một số công trình trường học, trạm y tế thuộc ở nhiều xã ở huyện Hương Khê bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m, học sinh phải nghỉ học. Hơn 3.887 ha diện tích lúa Hè thu và lúa mùa bị ngập (Hương Khê: 844ha; Vũ Quang 30ha; Hương Sơn 250ha; Thạch Hà 652ha; Lộc Hà 400 ha; Cẩm Xuyên 65,5ha; Hồng Lĩnh 342,6; TP Hà Tĩnh 20ha; Đức Thọ 809,8ha; Nghi Xuân 150ha; Can Lộc 323ha).

Tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng như quốc lộ 8A và Quốc lộ 15A bị ngập sâu từ 0,3 – 1,2 m; một số tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện bị ngập sâu từ 0,5 – 1,0m khiến giao thông bị ách tắc cục bộ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân trong những ngày qua.

Cũng theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng lúc 16 h15 ngày 6-9 lực lượng này đã kíp thời cứu hộ thành công chiếc tàu mang số hiệu QN 36568 có 5 lao động bị chết máy trên vùng biển thuộc địa phận tỉnh Lộc Hà.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh ước tính thiệt hại đến thời điểm này đã là: 28.753 triệu đồng (Hai mươi tám tỷ, bảy trăm năm ba triệu đồng)

Hiện lượng mưa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã giảm, tuy nhiên tình hình ngập lụt vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt lũ đã xuất hiện trên sông Ngàn Tươi, Ngàn Sâu..

Các lực lượng ban nghành toàn tỉnh đang phối hợp với nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả. Trước đó lãnh đạo tỉnh, Trưởng các Đoàn kiểm tra chỉ đạo PCLB đã trực tiếp xuống các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ để kiểm tra, chỉ đạo các địa phương đối phó và khắc phục hậu quả mưa lụt.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương mưa tại các tỉnh miền Trung sẽ giảm trong những ngày tới. Tuy nhiên lũ trên thượng nguồn tiếp tục đổ về các vùng hạ lưu gây lũ lụt lớn trong những ngày tới. Vùng trũng, đồng bằng các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở vùng núi, ngập lụt vùng sâu.

Một số hình ảnh lũ lụt và công tác khắc phục tại Nghệ An - Hà Tĩnh:

Hơn 5000 ngôi nhà nhấn chìm, 5 người chết, hàng chục người bị thương ảnh 4

Hơn 5000 ngôi nhà nhấn chìm, 5 người chết, hàng chục người bị thương ảnh 5

Hơn 5000 ngôi nhà nhấn chìm, 5 người chết, hàng chục người bị thương ảnh 6

Hơn 5000 ngôi nhà nhấn chìm, 5 người chết, hàng chục người bị thương ảnh 7

Hơn 5000 ngôi nhà nhấn chìm, 5 người chết, hàng chục người bị thương ảnh 8