Hồi sinh sau "bão"

ANTĐ - Trước đây, “cơn bão” sữa nhiễm melamine diễn ra ở hàng loạt các địa phương nuôi bò sữa, trong đó có Ba Vì (Hà Nội) đã khiến hàng nghìn hộ nông dân sống dở chết dở với… bò. Thế nhưng Ba Vì đã hồi sinh sau “bão”, người nuôi bò đang giàu lên… 

Hồi sinh sau "bão" ảnh 1Áp dụng công nghệ vào chăn nuôi

Nhớ những ngày “bão” tàn phá

Còn nhớ vào cuối năm 2008, dư luận cả nước “nóng” với việc phát hiện sữa nhiễm melamine, còn ở Ba Vì thì đó là một “cơn bão” lớn, đổ bộ bất ngờ với sức tàn phá chưa từng thấy.

Cả nghìn hộ nuôi bò sữa đang vui mừng vì sắp trả hết nợ tiền vốn vay ngân hàng mua bò làm giàu, bỗng chốc lao đao, chủ hộ mất ăn mất ngủ, trẻ con ngơ ngác nhìn bố mẹ đổ sữa chảy trắng cống thoát nước.

Nhà ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Tản Lĩnh là một ví dụ điển hình. Ông bảo, tiền bạc có bao nhiêu “dốc” hết cả vào bò, thật đúng là nuôi lắm lỗ nhiều. Nhà đang giàu bỗng nghèo đi. Chục con bò sữa đẹp như tranh vẽ nhìn mà thấy ghét. Cũng bởi tại giá sữa rẻ, bán như cho nên chẳng muốn chăm chút gì. Đứa cháu ông Sơn, thằng cu Mít giờ đã học lớp 4 trường làng vẫn còn nhớ như in cái cảnh ông bà đổ những thùng phuy sữa ra đường. Nó bảo: “Phí bao nhiêu cái thùng sữa. Cháu bảo ông bà để lại uống dần nhưng không ai nghe, vì cả làng ai cũng đổ ra đường”.

Nhớ lại đợt “bão” melamine tràn về, bà Tứ láng giềng của ông Sơn còn buồn bã hơn: “Cứ như cái đận ấy thì chết quá. Sữa không bán được mà tiền cứ trôi đi, mỗi ngày một con bò sữa “ăn” hết bao nhiêu tiền của mà không thu lại được đồng nào. Ông chồng tôi nóng tính bảo, mẹ con mày thịt hết bò ra mà ăn”.

Không chỉ các hộ dân nuôi bò sữa mới phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ “bão” melamine, mà các công ty sữa ở Ba Vì mới là những “nhân vật chính” chịu lỗ. Hàng không bán được, dự án kinh doanh rơi vào ngõ cụt, dân dồn lên ép đủ thứ.

Thế nhưng, không ai dám giết bò sữa, bởi giá mỗi con bò ngoại quốc là cả một gia sản. Và họ quyết định cầm cự, để mong “bão” qua.

Khi “bão” qua cũng đồng nghĩa những lao đao về đầu ra của sữa, về đồng vốn được tháo bỏ dần. Nhưng lại gặp những cái khó khác không tiện nói, đơn cử như trình độ chăm sóc bò sữa của cán bộ thú y địa phương.

Ví như khi bò vào mùa động dục, gọi bác sỹ thú y không đến vì đường… xa. Nông dân dắt bò đi thụ tinh nhân tạo cả một quãng đường dài, con bò hăng tiết, điên cuồng đá túi bụi. Chủ bò chỉ còn cách chạy thục mạng mà giữ cái thân, mặc cho đồng tiền đang chờ phía trước. Nói về cái khó của người nuôi bò thì khổ trăm bề. Lúc sữa không được giá thì tiền thức ăn cho bò ở mức hợp lý, nông dân có thể sống được. Nhưng khi giá sữa tăng một tí thì tiền thức ăn tăng mấy lần. Tính ra, có lúc nông dân muốn giá sữa không cần tăng để khỏi lỗ, khỏi phải rao bán bò trừ nợ. Thậm chí, bán bò để khỏi vỡ nợ.

Hồi sinh sau "bão" ảnh 2Massage cho bò sữa 

Giàu miễn phí 

Những cái khó nêu trên của người nuôi bò sữa ở Ba Vì đã dần được khắc phục nhờ vào trang trại và đồng cỏ kiểu mẫu. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng - Giám đốc Trung tâm sinh học thực nghiệm - ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Trang trại kiểu mẫu ở Ba Vì là nơi duy nhất đào tạo miễn phí cho nông dân về cách nuôi bò sữa để làm giàu”.

Hộ bà Nguyễn Thị Từ ở xã Vân Hòa suýt vỡ nợ vì “bão” sữa, nhưng giờ đã thoát cảnh lao đao, cho biết: “Nhà có gần hai chục con bò sữa, mỗi tháng thu về vài chục triệu. Trước đây, nuôi theo kiểu tự nhiên thì sữa thu về ít, giờ đã có kinh nghiệm nên bò cho sữa nhiều, tiền thu về cũng nhiều hơn”.

Cũng giống hộ bà Từ, ông Nguyễn Văn Sơn nuôi 20 con bò sữa nhập ngoại. Trừ chi phí thức ăn, điện nước mỗi tháng cũng thu về hơn 30 triệu. Ông bảo, nếu sữa tốt thì lên tới 15.000đ/lít, sữa không bao giờ ế mà thậm chí vắt xong nhiều người vào mua tươi để uống với giá cao.

Ba Vì hiện có 7 xã với khoảng gần 2.000 hộ nuôi bò sữa. Họ được trải qua các khóa học chăm sóc bò miễn phí bởi công ty sữa quốc tế và không còn phải đối mặt với nỗi lo “thịt bò để ăn” như trước đây.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: “Xây dựng trang trại và đồng cỏ kiểu mẫu để nông dân được tiếp thu kiến thức và chuyển giao khoa học kỹ thuật là một hướng đi đúng đắn, cần thiết và chủ động để “làng bò” phát triển bền vững”.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ nuôi bò sữa ở Ba Vì vẫn còn nhiều nỗi lo khi phải đối mặt với giá thức ăn lên xuống thất thường. Để làng bò “cất cánh” nhanh, mạnh và vững chắc cần phải có một chiến lược cụ thể, dài hơi đảm bảo lợi ích của nông dân trong mọi điều kiện.

Hồi sinh sau "bão" ảnh 3Một khóa học của nông dân

“Ba Vì là một trong những trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất nước ta. Trang trại và đồng cỏ kiểu mẫu sẽ là “trường đại học” lớn cho người nuôi bò ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để xóa nghèo làm giàu và thực hiện chiến lược nông thôn mới”.

Ông Hoàng Văn Tiệu Viện trưởng Viện Chăn nuôi