Học để yêu thương

ANTD.VN - Xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk do điều kiện kinh tế khó khăn nên rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ không thạo mặt chữ. Để không bị kẻ xấu dụ dỗ, để đọc và đánh vần được con chữ, nhiều người mặc dù đã ở phía bên kia dốc cuộc đời vẫn miệt mài đi học hàng đêm. 

Dẫu lớn tuổi nhưng những người nông dân vẫn hăng say học chữ

Học chữ để đề phòng kẻ xấu

Sau bao đêm cầm đèn mò mẫm đến các lớp xóa mù chữ do những cán bộ phụ nữ ở các thôn, buôn đảm nhiệm, bà H’Minh ở thôn Đắc Hà Tây đã thông thạo mặt chữ, vui mừng nói:“Ở thôn mình đây có sự đoàn kết của mấy dân tộc anh em như Kinh, Tày, Mường. Di cư từ nhiều nơi đến vùng đất này sinh sống và lập nghiệp nên nhiều người một chữ bẻ đôi cũng không biết."

"Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng xấu hoặc những kẻ theo tà đạo thường đến dụ dỗ và đưa những tài liệu có chi chít chữ nghĩa và nói với những người không biết chữ như chúng tôi đó là tài liệu hay nói về việc hãy tham gia các đạo này, đạo nọ… Ban đầu nghe vậy, không ai biết thực hư thế nào. Cứ nghĩ chữ trong tài liệu đó là đúng như lời đối tượng xấu nói. Nhưng rồi, được các cán bộ thôn, buôn tư vấn, người dân đã kịp thời cảnh giác”.

Ngày lên rẫy tối lại đến lớp

Sau nhiều lần bị như vậy, bà H’Minh đã vận động thêm nhiều người cùng cảnh ngộ như mình đi học chữ. Học chữ để thấy tài liệu nào cũng đọc được, để không bị kẻ xấu lừa. 

Những ngày đầu đánh vần từng con chữ còn cực hơn cả lên rẫy đi cuốc đất, trỉa bắp. Nhưng dùi mài mãi cũng thành quen. Cũng như bà H’Minh, bà H’Mí bảo: “Ban đầu khó lắm, học chục hôm mới viết được tên mấy người trong gia đình mình. Nhưng mà học xong thấy các băng rôn, áp phích tuyên tuyền của Nhà nước treo ở đầu thôn, buôn thấy vui cái bụng lắm. Đọc được và hiểu được luôn. Càng hiểu càng thích đi học. Các cán bộ trong xã cũng khuyên hãy cứ tích cực đi học, biết cái chữ là biết thêm vô vàn điều thú vị và bổ ích khác. Những kẻ phát tài liệu xấu cho mình trước kia, giờ không dám đến lừa dụ nữa, vì mình đã biết chữ rồi mà”. 

Hiểu con chữ, vỡ lẽ thêm nhiều chính sách và lợi ích mới từ những tài liệu tuyên truyền của Nhà nước, những người dân lớn tuổi như quên đi mọi nhọc nhằn của những đêm lên lớp.

Một trong những giáo viên xóa mù đặc biệt nhất trong xã đó là chị H’Hồng ở buôn Pơng. Là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chị H’Hồng được đi học từ nhỏ và làm cán bộ Hội phụ nữ. Hàng ngày lăn lộn qua các ngả đường tuyên truyền cho các hộ dân về những điều tốt đẹp, chị nhói lòng trước cảnh quá nhiều người mù chữ nên hàng đêm chị H’Hồng đều tận tụy dạy chữ cho những người mù chữ trong buôn.

Chị H’Hồng tâm niệm: “Phải giúp người dân biết chữ. Phải động viên trúng đích, nghĩa là phải nắm rõ tâm lý, thời điểm họ rảnh rỗi. Phải biết khơi dậy đam mê biết chữ của họ mới có thể kéo họ đến các hội trường của thôn, buôn để dạy từng nét chữ đầu đời cho họ được. Bởi tâm lý nhiều người lớn tuổi thường ngại học. Cách đây không lâu, nhiều đối tượng tà đạo thường đưa ra những tờ giấy bậy bạ kêu gọi người dân theo kẻ xấu, rất nguy hại….”. 

Ban đầu chị H’Hồng đến từng nhà vận động, có khi đến từng nhà trong xã dạy cho họ những con chữ đầu tiên trước. Dần dà, khi mọi người bắt đầu hiểu thì tự họ sẽ nô nức kéo nhau đến lớp. Chị H’Bung tâm sự: “Bây giờ mình đọc chậm nhưng có thể đọc được mọi con chữ rồi. Đó là nhờ hàng năm trời ròng rã đến buôn Pơng nhờ chị H’Hồng dạy đánh vần đấy. Kẻ xấu giờ có đưa tài liệu mà lừa bịp mình là mình biết ngay. Các bảng tuyên truyền dựng dọc đường, trước kia mình thấy không đọc được bức bối lắm, giờ đọc được rồi nên rất vui sướng trong lòng”. 

Cách nhà H’Bung không xa, chị H’Mịch cũng vui sướng rộn ràng và còn hăng hái khuyên các con của mình phải học đến nơi, đến chốn. Chị Mịch cho biết: “Trước đây không được ai dạy chữ, bị mù chữ nên nghĩ cái con chữ cũng chẳng quan trọng gì. Nhiều kẻ phá rừng vào đưa tài liệu nói trên tài liệu viết khuyến khích phá rừng, mình có hiểu gì đâu."

"Giờ biết cái chữ, đọc được cả báo nữa nên thích lắm, không sợ bị ai lừa nữa rồi. Tài liệu tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình hay xây dựng nếp sống văn hóa mới Nhà nước phát, lúc nông nhàn mình mang ra đọc kỹ càng lắm. Bây giờ thấy cái chữ hay nên khuyên các con mình phải đi học chăm chỉ”!. 

Gắn kết và hiểu nhau hơn

Chính từ những buổi cùng nhau đi học chữ, đánh vần mà nhiều người dân Cư Dliê Mnông gắn kết và hiểu nhau hơn. Chị H’Thanh ở thôn Đắc Hà Đông hồ hởi khoe: “Trước đây cứ ở trên rẫy rồi tối về nhà xem ti vi một chút rồi ngủ thôi, chẳng mấy khi sang nhà hàng xóm để chơi đâu, thế nên không có mấy bạn thân. Nhưng từ khi đi học các lớp xóa mù chữ của nhiều cán bộ trong xã tổ chức thì quen thêm nhiều bạn mới."

"Đó là những người phụ nữ cũng thiệt thòi và quanh năm tần tảo như mình. Hiểu rõ nhau để thương yêu nhau hơn, khi ai gặp hoàn cảnh khó khăn thì xúm lại giúp nhau. Trong những lúc giải lao từ những lớp học xóa mù chữ, chúng tôi lại quây quần tìm hiểu về gia đình, hỏi han về cuộc sống của nhau để cùng chia sẻ những khó khăn, thuận lợi. Rất bổ ích”. 

Tại lớp học xóa mù chữ của chị H’Hồng ở buôn Pơng, ban đầu chỉ có gần 10 người đến tham gia đánh vần con chữ hàng đêm, nhưng đến nay đã có gần 40 người. Chị H’Thanh, người năng nổ trong lớp học xóa mù chữ này cho biết: “Chị H’Hồng nhiệt tình và hăng say truyền dạy con chữ lắm. Chị còn động viên ai biết chữ trước thì dạy lại cho người sau, dạy lại cho hàng xóm của mình. Cứ thế, người nọ chỉ cho người kia rồi cùng động viên nhau học tập."

"Những buổi lên lớp cứ như những buổi họp nhóm vậy. Ai không hiểu gì đều được các cô giáo giải thích cặn kẽ đến nơi, đến chốn. Chính sự tận tình này đã xóa bỏ tâm lý e ngại của nhiều chị em. Từ ngày đi học còn đọc được nhiều câu ca dao về đoàn kết, về nét đẹp của người Việt Nam nên thích hơn. Nhiều người học từ lớp của chị H’Hồng giờ đây đã có thể đọc được hàng chục bài ca dao trong cuốn sách tuyển tập những bài ca dao hay của Việt Nam”. 

Còn chị H’Hồng cho biết: “Lớp học xóa mù ban đêm ở buôn Pơng của mình sẽ không dừng lại ở sĩ số gần 40 mà có lẽ còn tăng thêm nữa. Người học tăng, dẫu có mệt nhưng mình lại vui hơn vì thấy người dân quanh năm lam lũ nay đã nhận ra tầm quan trọng của con chữ”.

Ở thôn Đắc Hà Đông, nhiều người sau khi biết chữ còn cùng nhau kí vào các bản cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới. Họ tự tin hòa nhập cuộc sống hơn, không còn e dè trong những cuộc hội họp nữa. Chị H’Chung cho biết: “Trước đây trong nhiều cuộc họp, cuộc vận động cần mình kí tên, mình chẳng biết kí, toàn phải điểm chỉ thôi. Giờ đây biết chữ, biết viết rõ ràng họ tên của mình rồi nên không còn ngại ngần gì. Vỡ lẽ ra thêm nhiều điều bổ ích lắm”.