Học chay sẽ không tác dụng

ANTĐ - Quách Hoài Phong, học sinh lớp 11A3, trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm cho biết, cần có sự đổi mới về hình thức tuyên truyền ATGT trong trường học để học sinh dễ tiếp thu và ứng dụng thực tế ngay các kiến thức này khi tham gia giao thông.

- Đầu năm học mới học sinh các trường đều bắt buộc phải tham gia chuyên đề giáo dục ATGT, các bạn có hứng thú với hoạt động này  không?

- Dù là chuyên đề về vấn đề gì thì theo em cách thức tổ chức mới quyết định hiệu quả của công việc đó. Học sinh có hứng thú lắng nghe và tiếp thu kiến thức hay không phụ thuộc nhiều vào kênh tuyên truyền. Việc đọc chay các văn bản vẫn là hình thức phổ biến được các trường tiến hành. Như vậy, học sinh chắc chắn sẽ không chú ý lắng nghe.

- Vậy cách thức triển khai lần này có khác gì so với những chuyên đề trước đây?

- Chuyên đề giáo dục ATGT năm nay đã có điểm mới gây hứng thú cho học sinh. Chúng em không chỉ ngồi nghe thụ động từ các báo cáo viên về Luật giao thông mà còn có hình thức giao lưu, tương tác. Đặc biệt, lần này học sinh rất hứng thú với việc được trực tiếp thực hành lái xe an toàn trên hình ảnh mô phỏng. Điều này khác hẳn việc phải nhớ các quy định dưới dạng văn bản, lý thuyết. Học sinh được trải nghiệm thực tế qua mô phỏng sẽ dễ thực hiện quy định ATGT hơn khi tham gia giao thông.

- Liệu các buổi trao đổi về ATGT có tác động đến tình trạng học sinh không có bằng lái vẫn đi xe máy đến trường?  

- Bản thân em hiện đang đi xe đạp đi học. Còn với các bạn khác, theo em cũng đã có những thay đổi lớn về ý thức. Với tuyên truyền của thầy cô cộng với việc tăng cường xử phạt của cảnh sát giao thông, các bạn đã có ý thức hơn trong việc đi xe máy đến trường. Hiện giờ phương tiện được ưa thích nhất của chúng em là xe đạp điện. Tuy nhiên, vẫn còn một số bạn chưa thực hiện đúng quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện hay vẫn chở 3 người, đi xe lạng lách… Chính vì vậy, các buổi sinh hoạt chuyên đề về ATGT vẫn rất cần thiết với học sinh để xây dựng ý thức tốt hơn trong học sinh khi tham gia giao thông.