Mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ tăng mạnh
Đây là nhận định được đưa ra tại Buổi họp báo về Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức.
Trong giai đoạn 2008 - 2013, các nhà đầu tư đã chứng kiến một làn sóng M&A tại Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong giai đoạn này đã tăng trưởng 5 lần, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD năm 2013.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 nhận định: “Việc gia tăng mạnh số thương vụ mua bán sáp nhập với sự tăng trưởng cao cho thấy M&A là một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”.
Cũng theo dự báo của các chuyên gia, trong những năm tới, M&A không còn mang tính chất sự vụ mà trở thành chiến lược đầu tư của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhà nước và cả các doanh nghiệp khối tư nhân sẽ góp phần tạo nên làn sóng M&A mới.
Sự trỗi dậy của các công ty tư nhân cùng với sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A sẽ góp phần tạo nên làn sóng M&A.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập thứ 2 với quy mô lớn. Ở giai đoạn này, chương trình cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ chưa từng có với 432 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa.
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ cùng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trong làn sóng thứ hai này.
Theo nhận định của các chuyên gia, bước sang giai đoạn thứ 2 (2014-2018), thị trường M&A được kì vọng sẽ sôi động hơn với việc tăng trưởng cả giá trị thương vụ và số lượng thương vụ, ước tính đạt được 20 tỷ USD.
Hoạt động M&A sẽ giúp giải quyết các mục tiêu của doanh nghiệp và Chính phủ như tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu khu vực ngân hàng, tái cấu trúc và phát triển của các tập đoàn tư nhân.