Hoạt động của tội phạm có tổ chức: Bịt ngay những kẽ hở

ANTĐ - Gần đây, các đơn vị của CATP Hà Nội đã chủ động khám phá nhiều ổ nhóm tội phạm gây án nghiêm trọng, hoạt động có tổ chức. Qua công tác điều tra mới thấy, còn nhiều kẽ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.

Phòng CSHS - CATP Hà Nội tổ chức rà soát, đưa về trụ sở phân loại các đối tượng

có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức

Buông lỏng quản lý

“Tuy không còn những ổ nhóm tội phạm có quy mô, tổ chức chặt chẽ như của Khánh “trắng” và Phúc “bồ” cầm đầu trước đây, nhưng hiện nay đã có dấu hiệu liên kết giữa các nhóm tội phạm ở Hà Nội với các tỉnh lân cận để hoạt động phạm tội có tổ chức” - Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS Công an TP Hà Nội đánh giá và cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế có những biểu hiện suy thoái và khó khăn, cùng với việc thắt chặt tín dụng từ phía các ngân hàng dẫn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiếu vốn. Từ đây, các tổ chức, cá nhân cần vốn để sản xuất, kinh doanh ắt phải vay mượn, dẫn đến nợ nần cần thanh toán và sinh ra những khoản nợ khó đòi.

Một nguyên nhân khác được Thượng tá Đào Thanh Hải phân tích, xuất phát từ sự buông lỏng quản lý đất đai và tiền tệ của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở. Tội phạm thường nhằm vào những lĩnh vực nào chúng thấy có thể sinh lợi nhanh nhất, để hoạt động phạm tội. Trước đây, mô hình kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke... được các ổ nhóm tội phạm có tổ chức nhằm vào để hoạt động bảo kê và đã nảy sinh nhiều phức tạp về ANTT. Do lực lượng công an tấn công quyết liệt, nên loại tội phạm này đã không còn “đất” hoạt động. Khi các cấp chính quyền buông lỏng quản lý đất đai, vẫn để tình trạng mua chui, bán chui những mảnh đất xen kẹt, đất nông nghiệp... đã dẫn đến những mâu thuẫn nảy sinh trong các quan hệ giao dịch mua bán đất đai. Khi nghĩa vụ trong những giao dịch dân sự đó không thực hiện được, các đối tượng trong cuộc đã thuê mướn những nhóm tội phạm lưu manh côn đồ gây ra các vụ án cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật.

Ngoài ra, những mối quan hệ vay mượn tiền bạc cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tạo thuận lợi cho tội phạm có tổ chức hoạt động. Với những khoản nợ khó trả, các chủ nợ muốn thu hồi vốn nhanh đã dùng thủ đoạn thuê các ổ nhóm chuyên đòi nợ thuê để xiết nợ bằng mọi cách. Giữa năm 2011 đã xảy ra một vụ án hy hữu, liên quan đến hoạt động của các đối tượng phạm tội có tổ chức. Một phiên tòa hình sự xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn Hà Nội đã phải tạm hoãn, vì đối tượng có liên quan bị một nhóm đối tượng bắt đi mất. Cơ quan điều tra đã làm rõ người có liên quan đến phiên tòa, đã bị một nhóm đối tượng được thuê mướn bắt sang một quán karaoke ở quận Long Biên giam giữ. Tại đây, đối tượng này bị đánh đập, bắt viết thư tuyệt mệnh với lời hăm dọa nếu không trả tiền, sẽ bị ném xuống sông Hồng cùng với lá thư tuyệt mệnh, để mọi người tưởng rằng do nợ nần nhiều tiền nên đã tự tử. Nguyên nhân được làm rõ là do người bị bắt giữ trái pháp luật đã nợ một số tiền lớn và không có khả năng chi trả đã trốn tránh “chủ nợ”. Không tìm được “con nợ”, chủ nợ đã rình đến hôm tòa hình sự mời người có liên quan đến tham gia tranh tụng, thuê người bắt “con nợ” để xiết nợ.

Cần sự đồng tâm

Bên cạnh việc buông lỏng quản lý đất đai và những hệ lụy do vay nợ tiền bạc, hoạt động của tội phạm có tổ chức còn nhằm vào những lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về các giao dịch dân sự khác. Nhu cầu tiền bạc đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cần vốn đầu tư ngày càng lớn. Chính vì lẽ đó, các tổ chức cho vay nặng lãi “tín dụng đen” đã hình thành và hoạt động rầm rộ, khó kiểm soát. Để đảm bảo duy trì và phát triển nguồn vốn, các tổ chức “tín dụng đen” đã đề ra những “luật” riêng. “Khi cần vay một khoản tiền nhất định nào đó, người vay phải mang giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở trị giá gấp nhiều lần số tiền đi vay đến thế chấp. Khi không có khả năng trả nợ vì những lý do nào đó, “con nợ” sẽ bị chủ nợ tìm cách xiết nợ bằng mọi giá, từ đó dẫn đến các vụ thanh toán đẫm máu - Thượng tá Đào Thanh Hải phân tích và cho biết nhiều vụ án được cơ quan điều tra làm rõ các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc vay mượn “tín dụng đen”, đều được một số văn phòng công chứng chứng nhận. Việc làm này là không được phép và vô hình trung đã tiếp tay cho tội phạm hoạt động có tổ chức trong lĩnh vực cho vay nặng lãi, trái với các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực giao dịch tiền tệ.

Trước thực trạng trên, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị của CATP, đặc biệt là Phòng CSHS tập trung phát hiện, đấu tranh mạnh với các ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức. Phòng CSHS phối hợp với công an các quận, huyện đã lập kế hoạch rà soát, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời nhiều đối tượng ở Hà Nội liên kết với các ổ nhóm tội phạm ngoại tỉnh gây án trong lĩnh vực đòi nợ thuê và giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, hoạt động của loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, Phòng CSHS - CATP đề nghị các đơn vị công an cơ sở tập trung tuyên truyền mạnh mẽ những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có tổ chức và khuyến cáo mọi người dân cần báo ngay cho cơ quan công an những dấu hiệu hoạt động của tội phạm này. Bên cạnh đó, các cơ quan và các cấp chính quyền ở cơ sở cần siết chặt công tác quản lý đất đai, quản lý tiền tệ, tránh xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn trong các lĩnh vực này để tội phạm lợi dụng hoạt động. “Để phòng chống hoạt động của tội phạm có tổ chức một cách hiệu quả nhất, rất cần có sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, ngành và toàn dân” - Thượng tá Đào Thanh Hải nói.