Hoảng loạn vì con yêu quá sớm

(ANTĐ) - Mỗi ngày, hàng nghìn cuộc điện thoại được gọi đến Đường dây nóng bảo vệ trẻ em 18001567 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Có những thắc mắc đáng yêu, có những câu chuyện cười ra nước mắt và có cả những bức xúc, những nỗi đau, những lời kêu cứu…
Hoảng vì con yêu quá sớm Các cuộc gọi của trẻ em  đến Đường dây nóng phần lớn là hỏi về vấn đề tình cảm như mối quan hệ bạn bè, tình bạn khác giới, tình yêu. Rất nhiều em ở lứa tuổi học sinh tiểu học đã đặt câu hỏi về vấn đề này, cho thấy các em ngày càng quan tâm sớm đến vấn đề giới tính. Câu chuyện của các em nhiều khi ngô nghê nhưng cũng khiến người lớn phải giật mình. Các em dùng từ “người yêu” một cách rất hồn nhiên nhưng thực chất khi hỏi đến ngọn ngành thì đó lại không phải tình yêu. Những câu hỏi kiểu như: “Em thích bạn V, làm thế nào để thể hiện cho bạn ấy biết”; “Hôm trước em và người yêu em tranh luận về bài tập nên cãi nhau, thế mà mấy ngày nó không nói chuyện với em. Có phải nó hết yêu em rồi không?”; “Thằng M nó bảo yêu em, thế mà nó vẫn cười với con T”… đúng là khiến người lớn “cười ra nước mắt”. Không ít phụ huynh gọi đến tổng đài với tâm trạng hoang mang khi phát hiện con mình yêu đương khi chưa học hết tiểu học. Một phụ huynh ở Thái Bình có con trai học lớp 5 vừa bức xúc, vừa lo lắng gọi cho nhân viên tư vấn. Chuyện là con trai chị và một cô bé cùng lớp yêu nhau đã khá lâu và cả trường, cả lớp đều biết chuyện tình cảm của hai đứa. Hai đứa thường xuyên thư từ và công khai thể hiện tình cảm với nhau. Bất lực trước sự ngang bướng của con cái, mẹ cô gái đã nhiều lần đánh đòn nhưng “tình yêu” hai cô cậu học trò vẫn phát triển. Hai bên phụ huynh cũng đã gặp nhau trao đổi nhưng không tìm ra giải pháp. Một lần, tình cờ chị đọc được lá thư của cô học sinh nọ gửi cho con trai mình với nội dung đại ý rằng cô đã thích bạn khác hơn. Cậu con trai thì tỏ rõ quyết tâm “phải học giỏi hơn thằng kia để dành lại người yêu”. Trong gia đình, bố cậu bé là người rất truyền thống, ít tâm sự với con cái nên việc định hướng cho con đi vào bế tắc. Người mẹ này đặc biệt lo lắng về vấn đề sinh lý khi con trai chị đã có dấu hiệu dậy thì… Rất nhiều, rất nhiều những bậc phụ huynh có cùng tâm sự như vậy. Họ thực sự hoang mang khi con cái phát triển quá sớm về tâm, sinh lý trong khi khoảng cách với bố mẹ chưa được lấp đầy. Cũng có những thắc mắc khiến tư vấn viên phải nhói lòng. Một cô gái ở tỉnh nọ gọi đến tổng đài với tâm trạng rầu rĩ tâm sự rằng cô và người yêu quen nhau qua mạng Internet. Trong lần gặp nhau, người yêu đã đòi hỏi và hai người đã quan hệ tình dục. Sau nhiều lần như vậy thì cô gái phát hiện người kia đã có vợ. Cô tìm đến tư vấn viên với câu hỏi rằng: Anh ấy nói nếu em có thai sẽ bỏ vợ để lo cho em, em có nên tin lời anh ấy nữa không?... Với những câu chuyện buồn như thế này, thực sự không dễ gì đưa ra câu trả lời làm các em vui.
Hoảng loạn vì con yêu quá sớm ảnh 1
Bà mẹ… bạo hành Người ta vẫn thường nói “Hổ dữ không ăn thịt con”. Trong gia đình, nếu có bạo hành với con cái thường từ người bố. Vậy mà chuyện mẹ bạo hành với con lại có thật, ngay ở Hà Nội. Đó là nỗi bức xúc của một ông bố khi gọi điện đến tổng đài nhờ trợ giúp. Vợ anh cũng là một diễn viên có chút tiếng tăm của một nhà hát lớn trong thành phố, nhưng trong gia đình, theo lời người chồng thì “cô ta coi đứa con không bằng một con vật…”.  Chuyện là vợ chồng anh không hạnh phúc, thường xuyên  cãi vã, người chồng cũng nhiều lần bỏ nhà đi. Bao nhiêu bực tức, người vợ trút hết lên đầu đứa con trai 8 tuổi. Lúc thì chửi mắng thậm tệ, lúc thì tát làm con chảy cả máu miệng, và cứ thế liên tiếp những trận đòn không thương tiếc dội lên cậu bé tội nghiệp. Đỉnh điểm là cách đây ít lâu, người mẹ này dùng một chiếc vợt bắt muỗi dí vào bộ phận sinh dục làm đứa con bị bỏng. Không dừng lại ở đó, chị ta còn tiếp tục dùng chiếc vợt đánh túi bụi vào đứa con cho đến khi chiếc vợt muỗi bị vỡ tan tành. Cùng với Đường dây nóng thì ở đây, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn có thêm một Phòng Trị liệu để hỗ trợ các em về vấn đề tâm lý. Trong trường hợp này, các cán bộ tâm lý phải vào cuộc với cả những người lớn trong gia đình cậu bé bằng phương thức “trị liệu từ xa”. Ngoài việc ổn định tâm lý cho đứa bé, tư vấn cho người cha, người mẹ, cán bộ Trung tâm còn phải kết nối với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận, công an phường, công an quận để giải quyết, có hình thức xử lý thích đáng cho người mẹ và bảo vệ đứa bé.Đau lòng trẻ bị xâm hại tình dục Có thể nói, đây là những ca khó khăn nhất trong việc xử lý và hỗ trợ trị liệu tâm lý cho các nạn nhân. Trẻ em vốn thể chất và trí tuệ còn rất non nớt, khả năng phục hồi tổn thương thể chất, đặc biệt là khả năng thoát khỏi sự khủng hoảng về tinh thần là rất khó nếu không được tư vấn và điều trị kịp thời. Hơn nữa, việc can thiệp như lấy lời khai, giám định… sẽ khiến trẻ bị hoảng loạn tinh thần hơn. Câu chuyện mà chúng tôi ghi lại trong tập hồ sơ những đứa trẻ bị xâm hại tình dục được tổng đài hỗ trợ là chuyện của một bé gái 13 tuổi tại một xã dân tộc thiểu số ở Hòa Bình. Trong một lần đi lấy củi trong rừng sâu, bất ngờ cô bé bị một tên yêu râu xanh sinh năm 1975 xô vào khe đá, lấy dao kề vào cổ dọa nạt và cưỡng hiếp. Về nhà, vì sợ bị giết nên cô bé không dám nói với ai, tâm trạng hoảng loạn và thường xuyên mất ngủ, giật mình, la hét trong đêm. Phải gặng hỏi mãi, người mẹ mới biết được con mình đã bị xâm hại. Hậu quả là sau nhiều ngày không được điều trị, cô bé đã bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục nặng nề. Sau khi phát hiện sự việc, được sự hướng dẫn của các cán bộ tư vấn, gia đình bị hại đã giữ được chiếc quần cô bé mặc hôm  gặp nạn để làm bằng chứng. Kẻ gian đã bị trừng trị theo pháp luật, nhưng hậu quả tâm lý để lại cho nạn nhân là vô cùng lớn. Khi đến trị liệu tại Trung tâm, cô bé vô cùng hoảng loạn, sợ tiếp xúc với người lạ, thường xuyên la hét trong đêm… Đây là một trường hợp mà các cán bộ trị liệu tâm lý gặp nhiều khó khăn. Sau nỗ lực nhiều ngày, tâm lý cô bé đã ổn định phần nào và được trở về gia đình. Vậy nhưng chỉ ít ngày sau, Trung tâm lại nhận được yêu cầu hỗ trợ. Lần này, vấn đề mà cô bé gặp lại là áp lực từ chính người thân trong gia đình. Người cha, vì quá căm thù, phẫn uất nên quyết tâm trả thù với quyết tâm “mạng đền mạng”. Điều này vô hình chung đã lần nữa khơi lại nỗi đau của cô bé. Và, lần thứ hai, không chỉ giúp cô bé ổn định tâm lý, các cán bộ ở đây còn phải “trị liệu” luôn cho cả người cha, bằng cách nâng cao hiểu biết pháp luật cho anh ta.Và khi “ăn quả lừa” “Ăn quả lừa” không phải là chuyện hiếm gặp với nhân viên tư vấn của tổng đài 18001567. Từ khi mở rộng tư vấn miễn phí đối với cả mạng di động thì những cuộc gọi ảo cũng theo đó mà nhiều lên vì nhân viên tư vấn không thể xác định được chủ thuê bao là ai, ở đâu. Một lần, một cuộc gọi đến từ tỉnh Hà Tĩnh. Một cậu bé giọng rất khẩn thiết, cho biết mới gặp một em bé đi lạc mẹ và cần nhân viên tổng đài giúp đỡ liên lạc với công an vì cậu ta không có xe. Khi nhân viên yêu cầu được nói chuyện với đứa trẻ thì cậu thanh niên nọ cũng “kiếm” được một đứa trẻ đang khóc mếu, hỏi nhà ở đâu thì nó nói không biết. Hôm đó là chủ nhật, việc liên hệ với các cơ quan hết sức khó khăn. Sau một hồi lâu gọi điện cho công an xã, công an huyện sở tại, đồng thời gọi điện lại để thuyết phục cậu thanh niên nọ đừng bỏ đi, cuối cùng nhân viên tư vấn cũng kết nối được với một chiến sĩ công an huyện để trình bày vấn đề. Mất bao nhiêu công sức, chưa kịp thở phào thì chuông điện thoại lại reo. Và lần này, không phải tin vui như các nhân viên tư vấn đang mong mỏi. Đầu dây bên kia giọng anh công an ỉu xìu: Ăn quả lừa rồi em ạ. Lại phải xin lỗi, giải thích để các đồng chí công an thông cảm. Có những tháng, những cuộc gọi xin trợ giúp ảo như vậy lên đến… một nửa. Mất công sức đã đành nhưng cái quan trọng là ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đường dây nóng, điều này đã ảnh hưởng nhiều đến công việc của nhân viên tư vấn. Chuyện chúng tôi ghi lại chỉ là một vài trong số hàng nghìn, hàng triệu cuộc gọi đến Đường dây nóng bảo vệ trẻ em. Ở đây, những nhân viên tư vấn hàng ngày ngồi bên chiếc điện thoại vô tri, nhưng lại là nơi trút bầu tâm sự, là nơi gửi gắm niềm tin của nhiều em nhỏ. Đó là công việc, cũng là niềm vui chính của họ.