Hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, đô thị hiện đại (5): Điều kiện về nhân lực, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng mạng lưới giao thông thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để giải quyết vấn nạn ùn tắc và tình trạng tai nạn giao thông diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, ngoài lực lượng chức năng (yếu tố con người), phải đi kèm với thiết bị, phương tiện, công cụ và hệ thống giám sát, quản lý, điều hành giao thông thông minh (yếu tố khoa học kỹ thuật), đặc biệt là cấp thiết hoàn thiện chính sách, khung pháp lý quan trọng phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng lực lượng, đơn vị trên lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Hệ thống camera giám sát giao thông trên đường góp phần thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông

Hệ thống camera giám sát giao thông trên đường góp phần thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông

“Cởi trói” cho giao thông thông minh

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đánh giá, khi triển khai xây dựng, đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ thu được rất nhiều kết quả. Cụ thể như hỗ trợ, xây dựng tiêu chuẩn về hạng mục đầu tư, loại dữ liệu thu thập, khả năng kết nối, chia sẻ, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dùng chung. Là cơ sở để đào tạo con người, xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất để điều hành hệ thống hiện đại, ứng dụng sản phẩm công nghệ thông tin tiên tiến, xử lý, đồng bộ, chia sẻ nhiều dữ liệu, đồng thời giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả quản lý ngành, lĩnh vực được phân công, phụ trách.

Hệ thống camera và giao thông thông minh khi được lắp đặt cũng giúp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các thành phố được trang bị hệ thống giám sát trên địa bàn nhằm truy tìm, nhận dạng đối tượng, phòng chống các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật; nhận diện việc tụ tập đông người hay phát hiện đua xe trái phép; tìm kiếm người bị lạc...

Đáng chú ý, qua các hệ thống phần mềm về xử phạt, nhận diện vi phạm, tổ chức giao thông thông minh, sẽ nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; hỗ trợ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; xóa các “điểm đen” về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; giảm thiểu tai nạn giao thông; thu thập thông tin các vụ tai nạn giao thông một cách chính xác và điều phối lực lượng theo yêu cầu của Trung tâm thông tin chỉ huy.

Hệ thống này cũng tự động phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với mọi phương tiện tham gia giao thông, gồm: giám sát tự động làn đường, phần đường; giám sát tốc độ; giám sát tránh vượt sai quy định; giám sát các phương tiện vượt đèn đỏ; giám sát dừng đỗ... Hỗ trợ công tác phân luồng và tổ chức giao thông; cảnh báo ùn tắc giao thông và quản lý lưu lượng phương tiện; hỗ trợ điều phối và huy động lực lượng chống ùn tắc giao thông.

Thay đổi hành vi của từng người tham gia giao thông và hoạt động trên các tuyến giao thông, cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai các hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam còn một số khó khăn và hạn chế như: Chưa có định hướng phát triển rõ ràng về ứng dụng công nghệ số về giao thông trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều khi còn bị động, không đánh giá được những tác động khi ứng dụng trên các phương diện của đời sống xã hội.


Chúng ta cho phép taxi Uber và Grab vào Việt Nam, mới chỉ có ứng dụng gọi xe qua Internet (sử dụng điện thoại thông minh) thay cho gọi qua tổng đài đã làm thay đổi, rung chuyển nhiều hãng taxi truyền thống, dẫn đến cạch tranh gay gắt, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình trật tự xã hội. Việc ứng dụng công nghệ từ các nước tiên tiến, nhưng thiếu nghiên cứu bài bản dẫn đến chưa xong đã lạc hậu, không phù hợp với thực trạng giao thông tại Việt Nam. Khi xảy ra hỏng hóc nhưng thiếu người được đào tạo để có chuyên môn vận hành, khai thác nên hiệu quả chưa cao...

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, mặc dù thời gian qua Bộ Công an cũng như các đơn vị đã tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào các mặt công tác, trong đó quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên phải nhìn nhận khách quan rằng, so với yêu cầu của tình hình thực tiễn thì kết quả trên hoàn toàn chưa tương xứng. Việc triển khai lắp đặt các hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh còn quá ít do việc điều chỉnh về công nghệ, giải pháp giám sát bằng hình ảnh còn nhiều thay đổi. Nguyên nhân do phải điều chỉnh thiết kế thi công và tổng dự toán của dự án nên việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho thấy, các tuyến đã lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông gồm: Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và một số đoạn tuyến Quốc lộ 1A Pháp Vân - Cầu Giẽ; đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; đoạn TP.HCM - Đồng Nai; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Lào Cai…

Công tác xử lý vi phạm trên các tuyến còn nhiều hạn chế. Việc chứng minh vi phạm của người có thẩm quyền, ra thông báo yêu cầu người vi phạm đến xử lý chấp hành “phạt nguội” vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả thấp do tình trạng mua bán sang tên, đổi chủ, cấp Giấy phép lái xe bừa bãi. Hiện công tác “phạt nguội” mới chỉ đạt 36,4 % trên tổng số các trường hợp gửi thông báo, trong khi đó văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể những biện pháp đảm bảo cho việc xử phạt, cưỡng chế các trường hợp vi phạm trên.

Phầm mềm hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm được đầu tư xây dựng và triển khai từ năm 2012 từ Dự án “Tăng cường an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ phía Bắc Việt Nam” của JICA. Hệ thống khác cũng chưa đồng bộ, xuyên suốt, tập trung. Mặt khác, các đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đều tự xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ riêng, thiếu sự chia sẻ thông tin, quy chế phối hợp, cơ chế bảo mật sử dụng thông tin… Do vậy, cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Công an trong Nghị quyết số 12 ngày 19-2-2019 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.

Xây dựng Cảnh sát giao thông điện tử

Tại nhiều hội thảo, hội nghị, bàn tròn ý kiến, tham luận góp ý, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc xây dựng những Trung tâm giao thông thông minh không chỉ giúp tăng tính kết nối, giám sát, quản lý, xử phạt vi phạm mà còn hỗ trợ cho người, phương tiện tham gia giao thông. Các Trung tâm này còn cung cấp những dịch vụ công cho người dân, nhất là hệ thống bản đồ kỹ thuật số thông minh chống ùn tắc giao thông hay hệ thống camera giám sát. Khi hệ thống camera cũng như những dữ liệu về phương tiện, đường sá, con người, lái xe, các tiêu chuẩn kỹ thuật, hạ tầng, thiết bị đi kèm phương tiện, thì một dịch vụ công phục vụ lái xe trực tuyến hoàn toàn có thể được xây dựng và triển khai hiệu quả.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, số lượng nạn nhân bị thiệt mạng do tai nạn giao thông ở nước ta luôn đứng đầu các nước trong khu vực. Nhằm giảm tai nạn giao thông, nhất là từ các phương tiện kinh doanh vận tải, bắt buộc phải lắp đặt hệ thống giám sát và dữ liệu tự động chuyển về trung tâm chỉ huy của lực lượng Cảnh sát giao thông - đây là nguồn dự liệu chính để xử phạt các vi phạm liên quan đến tốc độ, dừng đỗ trái phép, điều khiển xe quá thời gian quy định…

Hiện nay, hệ thống này đã có nhưng quản lý còn lỏng lẻo, do doanh nghiệp tự mua, lắp đặt, chưa là căn cứ pháp lý xử lý vi phạm và các lỗi chủ yếu thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông. Nếu làm tốt việc này, chắc chắn tai nạn, vi phạm liên quan đến xe khách, xe container sẽ giảm. Bên cạnh đó, cần rà soát toàn bộ quy trình quản lý, thủ tục hành chính từ quản lý phương tiện, Giấy phép lái xe, hạ tầng, phát hiện, xử lý vi phạm giao thông, bảo hiểm theo hướng hiện đại mà các nước tiên tiến đã áp dụng, tạo tiền đề cho áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Cần có cơ chế khuyến khích người điều khiển phương tiên giao thông, nhất là xe cá nhân ứng dụng công nghệ mới trong giao thông. Không chỉ có lực lượng Cảnh sát giao thông, mỗi đơn vị quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông cần xây dựng chiến lược phát triển gắn với việc ứng dụng khoa học, công nghệ thay cho thủ công, sức người. Ứng dụng đó phải có tính hệ thống và sẵn sàng kết nối thành dữ liệu lớn, tập trung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tư tưởng luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, hiện đại và phải coi đây là quy luật phát triển của xã hội. Tuy nhiên, với công nghệ mới, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông phải nghiên cứu trên bình diện bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thông tin, các yếu tố có thể phát sinh phức tạp để chủ động xử lý.

“Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mạng lưới giao thông thông minh khi các điều kiện về con người, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng được yêu cầu. Điều này sẽ giúp tạo ra vô vàn những thuận lợi, không chỉ giúp lực lượng Cảnh sát giao thông đảm bảo hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ mà ngay cả lái xe, phương tiện cũng được hỗ trợ tối đa. Ví dụ đơn giản nhất, lái xe khi đang di chuyển trên đường có thể biết được toàn bộ tình hình giao thông của thành phố trong thời điểm đó; các tuyến đường mật độ phương tiện tăng cao, thông thoáng hay ùn tắc... để lựa chọn cho mình một lộ trình thích hợp. Lái xe cũng có thể biết trên dọc tuyến phố mình đang di chuyển có bao nhiêu điểm đỗ xe, số lượng điểm đỗ còn trống, vị trí, diện tích, giá cả của những điểm, phương tiện đỗ này... Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, thông qua những thiết bị điện tử, thiết bị số và dữ liệu được truy cập, sử dụng, cũng hoàn toàn có thể biết được tất cả những thông tin về phương tiện, mạng lưới giao thông, lái xe... phục vụ cho việc điều hành, quản lý, đảm bảo an toàn giao thông cũng như xử phạt phương tiện vi phạm...”.

Trung tá Trương Song Thành (Đội trưởng Đội Chỉ huy điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)