Hoài Đức: Nắng nóng như đổ lửa, hàng nghìn hộ dân chật vật vì mất nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giữa những ngày Hè nóng gay gắt của tháng 5, tháng 6, nhưng hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội lại phải sống trong cảnh mất nước sạch kéo dài gần một tháng nay.

Dù đã được cảnh báo về nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa Hè năm nay, nhưng nhiều hộ dân ở cuối nguồn nước của xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội vẫn không thể ngờ được, tình trạng thiếu nước sạch lại nghiêm trọng đến như vậy, dù mới vào đầu mùa Hè.

Ngay từ những ngày tháng 5, nhiều hộ gia đình ở xã Đức Thượng, Hoài Đức đã phải xoay sở để có nước sạch sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh nước sạch từ Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội không đủ cung cấp.

Gia đình ông Trần Văn Vũ, thôn Chiền 1, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay, gia đình ông vừa phải xây bể lọc để dùng nước giếng khoan sau 25 ngày gia đình mất nước sạch sinh hoạt.

Thiếu nước sinh hoạt kéo dài khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở Hoài Đức chao đảo. Người dân phải sử dụng nước giếng khoan, dù nước giếng khi bơm lên chứa vào xô, chậu cứ nổi lên một lớp vàng óng, mờ đục.

Tình trạng này diễn ra phổ biến với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hoài Đức những ngày Hè vừa qua. Gia đình anh Vũ Đình Hồng, thôn Chiền 1, xã Đức Thượng cho hay, do gia đình anh có bể dự trữ 10m3 nước nhưng cũng đã cạn kiệt, nhiều ngày nay phải sử dụng nước giếng khoan để đưa vào bể sử dụng sinh hoạt hàng ngày.

Gia đình ông Trần Văn Vũ vừa phải xây bể chứa và lọc nước giếng khoan để dùng cho sinh hoạt

Gia đình ông Trần Văn Vũ vừa phải xây bể chứa và lọc nước giếng khoan để dùng cho sinh hoạt

“Vẫn biết nước giếng khoan không đảm bảo cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày nhưng nước sạch đã mất nhiều ngày qua, người dân không còn nước cho sinh hoạt”- ông Trần Văn Vũ bày tỏ.

Còn bà Đặng Thị Dung ở khu tập thể Xí nghiệp Thuốc thú y, xã Đức Thượng cho biết, ban ngày nước không bơm được vào đến bể của gia đình, nên đêm nào chồng bà cũng phải thức đến 1-2h sáng để canh nước. Vì thời gian này trong ngày ít người dùng nên nước mới có thể chảy đến khu vực cuối nguồn như gia đình bà.

Nước sạch được chứa trong xô, chậu, trong khi nước rửa rau, vo gạo được tận dụng để tưới cây. "Mất nước đã khổ, nay mất đúng vào mùa hè nắng nóng khiến chúng tôi xoay sở đủ kiểu vẫn chật vật vì nước”, bà Dung cho hay.

Gia đình anh Vũ Đình Hồng phải bơm nước giếng khoan vào bể để sử dụng

Gia đình anh Vũ Đình Hồng phải bơm nước giếng khoan vào bể để sử dụng

Mất nước kéo dài, người dân xã Đức Thượng buộc phải xoay sở đủ cách. Anh Đỗ Văn Chiến ở Đức Thượng thì mua thùng nhựa, vỏ trấu và cát, chế tạm bể lọc trong khi chờ nước sạch được cấp lại.

Trong khi vỏ trấu ngày trước xin không mất tiền thì nay gia đình anh Chiến cũng như nhiều gia đình khác phải đi mua với giá 50.000 đồng/bao để về làm nguyên liệu lọc nước giếng khoan.

Nước chảy yếu, nhiều gia đình ở Đức Thượng dùng máy bơm hút nước nhưng do nước không có nên xảy ra tình trạng cháy máy bơm hàng loạt. Anh Trần Văn Cường có cửa hàng sửa chữa điện trên con đường trục đường chính thôn Chiền cho biết, trước kia thi thoảng mới có khách sửa máy bơm bị cháy nhưng nửa tháng nay anh đã sửa khoảng 20 cái máy bơm.

Người dân Hoài Đức phải xoay sở chế bể lọc nước giếng khoan để sinh hoạt

Người dân Hoài Đức phải xoay sở chế bể lọc nước giếng khoan để sinh hoạt

“Mới tuần trước, gia đình tôi vừa bị cháy mất một cái máy bơm nước vì bơm hút lâu nhưng không được nước. Không biết bao giờ thì tình trạng này mới kết thúc”- ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Chiền 1, xã Đức Thượng phàn nàn.

Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Đình Hà, Tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội, cho biết khoảng 7.000 hộ dân của một số xã ở huyện Hoài Đức bị ảnh hưởng do thiếu nước sạch. Nguyên nhân là nguồn nước chính từ Nhà máy nước mặt sông Đà không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân ở khu vực cuối nguồn.

Những ngày nắng nóng, công ty cần 28.000m3 nước/ngày đêm nhưng chỉ nhận được khoảng 22.000 m3. Đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm tăng áp Sơn Đồng.

Theo quy hoạch, nguồn cấp nước cho khu vực phía Tây là Nhà máy nước sông Hồng, nhưng dự án đang chậm tiến độ (kế hoạch đưa vào sử dụng quý I/2021).

Lãnh đạo công ty nước sạch Tây Hà Nội cho hay, với việc điều tiết ưu tiên tăng áp của Công ty nước mặt sông Đà, trong vài ngày tới, các khu vực cuối nguồn sẽ có nước trở lại.

Tuy nhiên, việc mất nước có thể tái diễn trong các đợt nắng nóng kéo dài tiếp theo.