Hiện vật độc đáo ở Bảo tàng Hải quan

ANTĐ - Hơn 16kg sừng tê giác nhập lậu qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cùng số lượng lớn cần sa, ma túy tổng hợp được trưng bày trong một cuộc triển lãm đặc biệt vừa diễn ra tại Bảo tàng Hải quan Việt Nam.

Hiện vật độc đáo ở Bảo tàng Hải quan ảnh 1Sừng tê giác nhập khẩu trái phép qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Trưng bày theo 3 chủ đề

Bảo tàng Hải quan (tại Tổng cục Hải quan Lô E3, đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội) đang lưu giữ, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật độc đáo liên quan đến hoạt động giao thương quốc tế của Việt Nam trong nhiều thế kỷ và chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam (10-9-1945/10-9-2015). Trong số đó có những tang vật do lực lượng Hải quan thu giữ được trong công tác chống buôn lậu như: 1.403 viên kim cương (trị giá 6 tỷ đồng) không khai báo Hải quan bị thu giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, 2 chiếc đèn cầy được làm bằng ma túy Phemetrazine và Ephedrine với trọng lượng 4kg; 796.500 viên thuốc Ferimins (thuốc gây nghiện), cùng vô số hiện vật là hàng lậu bị Cục Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thu giữ.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hải quan cũng trưng bày các hiện vật được các đối tượng buôn lậu sử dụng để ngụy trang nhằm vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới như khối đá thạch cao được khoét lỗ để cất giấu đá lửa nhập lậu qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện việc sưu tầm kỷ vật: “Bảo tàng Hải quan được trưng bày theo 3 chủ đề: Thuế quan trước năm 1945, Hải quan từ 1945-1986 và hiện đại hóa Hải quan. Toàn bộ không gian trưng bày được lấy cảm hứng từ bối cảnh công việc hàng ngày của cán bộ Hải quan với hàng hóa và môi trường làm việc gồm: cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu đường bộ”.

Hiện vật độc đáo ở Bảo tàng Hải quan ảnh 2Ma túy, cần sa do lực lượng Hải quan thu giữ

Nơi giáo dục truyền thống

Bảo tàng được xây dựng trong hơn 2 năm trên cơ sở nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật, kết hợp phỏng vấn gần 100 cán bộ Hải quan thuộc nhiều thế hệ. Nhờ đó, bảo tàng hiện nay đang giới thiệu gần 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh cùng 12 phim phỏng vấn được lựa chọn từ hơn 4.000 tài liệu, hiện vật và hơn 10.000 phút phỏng vấn ghi âm, ghi hình. PGS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Để có được những tài liệu trên, nhóm chuyên gia đã đi 17 tỉnh, thành phố là những nơi có đơn vị Hải quan cũng như cửa khẩu để sưu tầm tư liệu, hiện vật. Điều này giúp cho nhóm chuyên gia có được nhiều tài liệu, hiện vật quý giá để đưa vào trưng bày. Nhờ đó, Bảo tàng đã khái quát được chặng đường phát triển của ngành Hải quan; chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm cũng như những thành công trong quá trình hoạt động của ngành Hải quan”.

Mặt khác, Bảo tàng Hải quan được tư vấn về nội dung của Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa dựa trên ý tưởng đồ họa của chuyên gia Pháp Patrik Hoarau tạo một phong cách riêng biệt. Dự kiến, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng Bảo tàng nhằm trưng bày thêm tư liệu, hiện vật theo các chuyên đề.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc: Bảo tàng Hải quan không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử ra đời, xây dựng, phát triển của Hải quan Việt Nam, mà đây còn là nơi để giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành cho toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trẻ.