Bệnh viện quá tải trầm trọng:

Hệ thống y tế “kiệt sức”

ANTĐ - Rất nhiều giải pháp, đề án đã được triển khai trong suốt nhiều năm gần đây, thế nhưng trong chuyến thị sát tại các bệnh viện (BV) phía Nam cuối tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải lần nữa thừa nhận tình trạng quá tải BV vẫn hết sức nặng nề.

BV Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng


Các BV “gồng mình”

Trong khoảng hơn thập kỷ qua, từ đời Bộ trưởng Y tế này đến đời Bộ trưởng Y tế khác, vấn đề giảm quá tải BV luôn được coi là ưu tiên hàng đầu với rất nhiều ý tưởng, đề án, phương pháp mới được đề xuất và triển khai. Khi quá tải BV vẫn không giảm, tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 3, ghép 5 tại các BV vẫn diễn ra hàng ngày thì người ta lại có cớ để đổ lỗi cho các BV, cho ngành y tế. Thế nhưng có nhìn nhận một cách khách quan mới thấy, hệ thống y tế nước ta hiện tại đã không thể đáp ứng nổi nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị của nhân dân.

Theo khảo sát của chúng tôi tại các BV tuyến Trung ương nằm trên địa bàn Hà Nội, tất cả các BV đều quá tải, đặc biệt nghiêm trọng ở các BV, các chuyên ngành về nhi, ung thư, tim mạch. Tại BV Bạch Mai, tình trạng quá tải phổ biến tại 25/26 chuyên khoa, trong đó một số chuyên khoa quá tải khoảng trên dưới 200%.

TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cho biết, lượng bệnh nhân nội trú điều trị tại BV Bạch Mai liên tục tăng theo các năm. Chẳng hạn như năm 2010, số vào điều trị đã tăng hơn 30 % so với năm 2006, trong khi số giường bệnh tăng thêm rất hạn chế. Còn tại BV K Trung ương, khoa Ngoại đầu cổ chỉ có 40 giường nhưng trên bảng theo dõi bệnh nhân trong khoa, số người bệnh nằm điều trị luôn gấp 2, gấp 3 lần.

Cũng luôn ở trong tình trạng quá tải trầm trọng là Viện Tim mạch Quốc gia. Chia sẻ với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện này cho biết, không chỉ người bệnh phải chịu khổ khi nằm ghép 3, ghép 4 mà chính các y bác sĩ cũng đã phải gồng mình hết sức để gánh lượng quá tải này. Tất nhiên các BV vẫn hoạt động tốt, vẫn hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch và chỉ tiêu điều trị được giao, các bệnh nhân vẫn được điều trị khỏi nhưng khi bác sĩ phải gồng mình đến kiệt sức thì khó nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng với người bệnh.


Khó như… giảm tắc đường!

Vấn đề “thương hiệu” của các BV tuyến Trung ương và tâm lý của người bệnh cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho các BV này luôn quá tải trầm trọng, trong khi thực tế các BV tuyến dưới hoàn toàn có thể san sẻ bớt một lượng đáng kể.

TS. Nguyễn Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương lấy ví dụ, khoa Tiêu hóa của BV này chiều 30-11 rơi vào tình trạng quá tải nặng nề do lượng bệnh nhân quá đông. Tuy nhiên trong số này thì có đến một nửa là những trường hợp bệnh đơn giản có thể điều trị tại các BV Nhi, khoa Nhi của các BV tuyến tỉnh, huyện, thậm chí chỉ cần theo dõi điều trị tại nhà. Ngay cả các bệnh nhân mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết thể nhẹ cũng không cần phải chuyển đến BV tuyến Trung ương. Thế nhưng phần do y tế tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người bệnh, phần vì bản thân người bệnh cố ý vượt tuyến lên Trung ương để… yên tâm hơn, dẫn đến quá tải.

Nhiều chuyên gia y tế “bắt bệnh” rằng, giải quyết quá tải BV cũng phức tạp và khó khăn hệt như giảm ùn tắc giao thông. Dân số ngày một tăng lên, phương tiện gia tăng, người dân đổ dồn về các đô thị lớn trong khi hệ thống giao thông không thể đáp ứng nổi dẫn đến ách tắc. Với quá tải BV cũng vậy, chỉ khi tăng số BV, tăng số giường điều trị thì mới có thể giải quyết được.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng, dù ngành y tế có tích cực tăng giờ làm, tăng giường gấp, cáng, luân chuyển y bác sĩ… đến thế nào thì cũng không thể giải quyết được. Bởi khi nhu cầu điều trị ngày càng tăng do dân số tăng, bệnh không lây nhiễm tăng mà số BV, số giường bệnh không tăng kịp, thì đương nhiên sẽ quá tải. Ngay ở Hà Nội hiện mới chỉ có 4,5 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ giường bệnh là 17 giường/vạn dân thì đương nhiên không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và tất yếu là các BV tuyến Trung ương trên địa bàn phải gánh hộ vốn đã quá tải tiếp tục quá tải hơn. Được biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống quá tải BV để tìm biện pháp tháo gỡ.