Hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm nguy

ANTĐ - Đó là  nhận định mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra tại  Hội nghị thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới nhóm họp tuần qua với chủ đề: “Thách thức toàn cầu, giải pháp toàn cầu”.

IMF cảnh báo về điều này khi các nguy cơ gây bất ổn tài chính tiếp tục gia tăng. Báo cáo của IMF chuẩn bị cho Hội nghị thường niên năm 2011 với Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, hệ thống tài chính toàn cầu đang phải chịu tác động tiêu cực nặng nề của các nhân tố bất ổn gây khủng hoảng lòng tin kinh tế toàn cầu, như việc khiến cho các thị trường châu Âu rối loạn, chỉ số tín dụng của Mỹ bị hạ thấp, tăng trưởng trì trệ, mất cân bằng tài chính nghiêm trọng và thiếu quyết tâm chính trị ở các nền kinh tế phát triển. Các thị trường tài chính phát triển đã bắt đầu hoài nghi khả năng của các nhà hoạch định chính sách có thể dành được sự ủng hộ chính trị rộng rãi để thúc đẩy các hành động chính sách cần thiết.

Báo cáo của IMF lưu ý, lãi suất thấp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng ở các nước phát triển có thể tiềm ẩn hiểm họa dài hạn đối với ổn định tài chính trong khi đó, ở nhiều thị trường mới nổi, nợ công tăng nhanh và tín dụng cũng tăng nhanh để tài trợ đầu tư đã gây mất cân bằng tài chính và suy giảm chất lượng tín dụng, gây sức ép quá nóng lên nền kinh tế. Các thị trường mới nổi cũng đang đối mặt với các căng thẳng tài chính và nguy cơ dòng vốn nước ngoài bị bất ngờ rút ồ ạt.

Giám đốc quỹ tiền tệ IMF Christine Lagarde cho rằng ngân quỹ cho vay trị giá 384 tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF có thể không đủ để đáp ứng các nhu cầu khủng hoảng tiềm tàng, không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu vay tiền nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi. Theo bà Lardage: “Năng lực tín dụng của IMF chủ yếu dựa trên các khoản nhận được để ứng phó với các trường hợp xấu. Hiện tại, với gần 400 tỷ USD, khả năng của Quỹ vẫn đáp ứng được những nhu cầu vay, song số tiền này sẽ không thấm vào đâu so với nhu cầu tài chính tiềm tàng của các nước bị tác động cũng như các nước không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng....".  

Do khủng hoảng nợ châu Âu đe dọa sẽ lan ra và gây hại cho tiến trình hồi phục toàn cầu, nên IMF bị yêu cầu phải xem xét lại khả năng cung ứng vốn cho các thành viên.

IMF đưa ra kết luận rằng thiếu hành động chính sách mang tính quyết định để loại trừ các nguyên nhân và di sản của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 đã dẫn đến tình hình tài chính thế giới ảm đạm hiện nay. Con đường phục hồi bền vững hiện tuy đã thu hẹp nhưng vẫn mở. Các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế thế giới cần hành động khẩn cấp và quyết định để thúc đẩy các chính sách cải tổ quy định tài chính toàn cầu; cân bằng tài chính công ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; xây dựng các nguồn vốn dự phòng thích hợp ở các ngân hàng châu Âu. 

Các nền kinh tế mới nổi cần nỗ lực giảm mất cân bằng tài chính để tăng khả năng chống lại các cú sốc tài chính đồng thời thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính vững chắc.  Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đang có nhiều màu xám từ châu Âu, Mỹ và nguy cơ lây lan ngày càng đáng lo ngại, vấn đề của các nước đang phát triển như Việt Nam nên chuẩn bị như thế nào. Bên lề Hội nghị thường niên trên, Phó Tổng Giám đốc IMF ông Naoyuki Shinohara đã trao đổi với báo giới Viêt nam rằng: "Việt Nam cần kiểm soát được lạm phát kỳ vọng"

Theo ông Naoyuki Shinohara, nếu lạm phát kỳ vọng vẫn chưa được kiểm soát, chính sách tiền tệ vẫn cần hết sức thận trọng ! Việt Nam phải tính đến rủi ro khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ kéo theo sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. “Chúng tôi dự báo kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Và chúng ta cần chuẩn bị cho rủi ro suy thoái” -  Phó Tổng Giám đốc IMF khẳng định.