Hệ quả - hậu quả

(ANTĐ) - Ngót một trăm nhà kinh tế trong nước và nước ngoài tập trung tại hội nghị do ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới tổ chức, trình bày những quan điểm về tình hình kinh tế Việt Nam và những phản biện về chính sách của Chính phủ. Đây là những đóng góp giúp Quốc hội xem xét lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Chính phủ dự kiến sẽ đề nghị giảm trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.

Hệ quả - hậu quả

(ANTĐ) - Ngót một trăm nhà kinh tế trong nước và nước ngoài tập trung tại hội nghị do ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới tổ chức, trình bày những quan điểm về tình hình kinh tế Việt Nam và những phản biện về chính sách của Chính phủ. Đây là những đóng góp giúp Quốc hội xem xét lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Chính phủ dự kiến sẽ đề nghị giảm trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.

Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế nhấn mạnh: “Điều hết sức đáng quan ngại là luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là khoản giúp bù đắp thâm hụt giữa tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa. Năm 2008, tỷ lệ này lên đến gần âm 13% GDP khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 43,1% GDP, trong khi đó tỷ lệ tiết kiệm chỉ vào khoảng 30% GDP”.

Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh công nghiệp hóa nhanh nhất miền Bắc dẫn chứng, trong 3 tháng đầu năm nay, cả tỉnh chỉ thu hút vỏn vẹn 2 dự án nước ngoài, tổng cộng 10 triệu USD, trong khi 13 khu công nghiệp không hề có nhà đầu tư nào “nhòm ngó”. Hậu quả còn nghiêm trọng hơn, hơn một nửa trong tổng số 18 dự án nước ngoài đã cấp phép trong năm 2008 đã dừng lại, thậm chí hủy bỏ. Cả tỉnh ước có 5,2 nghìn công nhân thất nghiệp. Tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh đều suy giảm trầm trọng.

Hầu hết các đại biểu dự Hội nghị cùng chung quan điểm rằng, thiếu hụt nguồn vốn đầu tư nước ngoài do khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ giáng một “đòn” mạnh vào phát triển kinh tế Việt Nam trong năm nay. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia băn khoăn về hệ quả và hậu quả của gói hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vừa công bố đã cho vay 202.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế của Dự án Star do Mỹ tài trợ, nhận định có khoảng 1/3 trong tổng số tiền này được “rót” cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Phân bổ tín dụng như vậy có hợp lý không, khi mà Việt Nam đang theo đuổi xu hướng thu hẹp doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường động lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò cốt yếu cho tăng trưởng kinh tế sau này?”.

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá lại thành phần kinh tế Nhà nước chủ đạo tác động như thế nào đến suy giảm kinh tế, hệ quả dẫn đến hậu quả để kích cầu đầu tư. Thực tế là, các doanh nghiệp nhỏ cần vốn cho sản xuất thì không vay được. Ai vay được thì đảo nợ. Tỷ lệ đảo nợ ước tính đã lên tới 70% vì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong quý I thực tế rất thấp.

Trong khi đó, theo một tiến sĩ kinh tế, gói tài chính kích thích kinh tế của Chính phủ chưa công bố rõ ràng, ngoại trừ gói hỗ trợ lãi suất. Kích cầu liệu có đáp ứng 3 tiêu chuẩn quan trọng: Đúng lúc, đúng mục tiêu và đúng đối tượng? Nhiều ý kiến nhận xét, các gói kích thích tài chính đang tập trung vào “kích cung”, trong khi vấn đề “nóng bỏng” hiện nay là “kích cầu”.

Nhìn vào hệ quả có thể thấy trước hậu quả. Với mức bội chi ngân sách 8% GDP mà Chính phủ xin Quốc hội sắp tới điều chỉnh, thâm hụt ngân sách sẽ khiến gia tăng lạm phát và bất ổn vĩ mô trong tương lai. Các biện pháp hiện nay mới tập trung “giải cứu” kinh tế khỏi suy giảm chứ chưa “động” đến các điểm yếu khác. Trong năm nay suy thoái có thể qua đi, nhưng các “điểm huyệt” lớn nhất vẫn tồn tại, có khi còn trầm trọng hơn.a

Đan Thanh