Hệ lụy sau ly hôn

ANTĐ - Không muốn ở với bố mẹ, em về ở với bà nội, sau một thời gian, em phá phách, chơi bời, trượt dài trên con đường sa đọa mà không ai trong gia đình có thể đưa em ra khỏi con đường ấy...

Kết thúc một tình yêu sau bao năm nuôi dưỡng, đầu gối tay ấp bằng tờ đơn ly hôn được tòa chấp thuận thời nay không còn là vấn đề đáng bàn của một số cặp vợ chồng. Nhưng điều đáng nói, sau khi chia tay, những người trong cuộc mà cụ thể là người chồng và người vợ có cách ứng xử với nhau như thế nào để “kết cục đau lòng” đó không ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của con cái. Đó đã, đang và sẽ vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với mỗi gia đình gặp phải tình trạng "đứt gánh giữa đường".

Yêu nhau lắm, cắn nhau đau

Kết hôn sau 5 năm yêu nhau, cặp đôi Tú Hạnh từng là niềm mơ ước của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ khi thấy họ ríu rít như đôi sam. Tú là kỹ thuật viên một đài phát thanh truyền hình tỉnh, Hạnh công tác tại một tờ tạp chí của một trường đại học. Cùng làm trong lĩnh vực thông tin truyền thông nên cả hai đều hiểu công việc của nhau. Cưới nhau được 2 năm, căn nhà nhỏ rộn tiếng cười chào đón một thành viên mới, cậu con trai Vũ Hoàng kháu khỉnh, thông minh. Thời gian của cả hai vợ chồng bị thu hẹp và trở nên gò bó khi phải trông và chăm sóc cho con. Áp lực công việc và việc chăm con nhỏ khiến cả Tú và Hạnh quay như chong chóng, nhưng hạnh phúc gia đình là động lực để cả hai vợ chồng động viên nhau cố gắng.

 

Bạn bè, gia đình đều nhìn thấy sự hài lòng về người bạn đời trong mắt của Tú và Hạnh. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ trôi đi êm đềm như thế. Nhưng đến khi Vũ Hoàng 3 tuổi, Hạnh bàn với chồng thuê giúp việc đưa đón con đi nhà trẻ và đỡ đần công việc nhà để cô có thời gian tập trung cho công việc. Tú đồng ý nhưng kể từ đó giữa hai vợ chồng anh bắt đầu xảy ra xích mích. Khi yêu nhau, hờn ghen hay giận dỗi là gia vị của tình yêu đôi lứa nhưng khi đã trở thành vợ chồng, thứ gia vị ấy khi được nêm "quá tay" lại khiến cả hai cùng mệt mỏi.

Tú ghen mỗi khi Hạnh đi công tác xa nhà, anh trách Hạnh không chu toàn việc gia đình, không làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Hạnh cứ ngỡ cả hai cùng làm một lĩnh vực sẽ thông cảm và tin tưởng cho nhau nhưng Tú đã làm cô thất vọng. Tú ghen tuông, nghi ngờ vợ ngoại tình khiến cô mệt mỏi. Áp lực công việc và mâu thuẫn gia đình khiến Hạnh chán nản. Hạnh thấy chồng ích kỷ nhưng để yên ấm cửa nhà, cô vẫn nhẫn nhịn và cố gắng hơn. Thế nhưng, sự cố gắng của cô không khiến Tú hài lòng. Bỏ bê nhà cửa, con cái, Tú sa đà vào cờ bạc, rượu chè và bồ bịch.

Cứ uống say hãy thua bạc là Tú về gây sự với Hạnh. Một thời gian sau, Hạnh phát hiện chồng ngoại tình với một đồng nghiệp của anh. Uất ức và đau đớn khi thấy mình bị phản bội, không ngại ngần Hạnh đưa đơn ly dị. Tú xin lỗi vợ nhưng không lay chuyển được cô nên đành chấp nhận ly hôn. Tòa xử cho Hạnh được nuôi con. Hai vợ chồng đường ai nấy đi nhưng Hạnh hận Tú tới mức cô hạn chế tối đa việc cho Tú gặp con trai. Đối với cô, anh là người ích kỷ, tồi tệ và đầy thói hữ tật xấu. Sợ con trai gặp bố nhiều sẽ ảnh hưởng nên cô tìm mọi cách để cách ly, gián đoạn hai bố con. Tú đến thăm con bao giờ Hạnh cũng gây sự với anh, tìm cớ đuổi anh nhanh về hoặc cô lấy lí do con “bận học” để Tú chỉ được hỏi han con vài câu. Không chỉ thế, cô "tiêm" vào đầu con những điều xấu xa về bố để tự con trai không đến gần bố nữa.

Đến với nhau khi yêu thắm thiết nhưng sau 5 năm chung sống, khi con gái lên 4 tuổi, hai vợ chồng Huy Hương quyết định chia tay khi không thể dung hòa những mâu thuẫn ngày càng phức tạp. Khi ra tòa, gia đình bên nội và cả chồng Hương đều xin tòa cho anh được nuôi con bởi Hương không đủ điều kiện về kinh tế để chăm sóc và nuôi con. Hương vốn xuất thân trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa, ra Hà Nội phụ việc cho một cửa hàng bán quần áo. Không muốn xa con nhưng khi hai vợ chồng chia tay, Hương hiểu nếu kiên quyết đòi quyền nuôi con, thì bản thân cô cũng khó có thể mang lại cho con một cuộc sống đủ đầy, bởi cô chẳng có gì trong tay cả.

Đồng ý với tòa nhường quyền nuôi con cho chồng nhưng cô cũng đề nghị mình được quyền gặp gỡ, thăm nom con gái. Tại tòa, cả Huy và gia đình anh đều đồng ý những điều kiện hợp lý của cô nhưng ngay sau khi trở về nhà, cả gia đình anh lại hạn chế tối đa việc thăm gặp con của Hương. Có lần, khi đến thăm con, bỗng nhiên nghe con gái hỏi: "Mẹ ơi, mẹ là người xấu nên không nuôi con hả mẹ?", cô thấy tắc nghẹn cổ họng. Hỏi ra mới biết, cả nhà nội đều nói về mẹ của nó những điều không tốt đẹp gì để ngay từ nhỏ, con bé không còn quyến luyến với mẹ nữa.

Con trẻ - Tấm bình phong đỡ đạn

Người lớn chia tay nhau, mỗi người đều mải đi tìm một hạnh phúc riêng, mải "độc chiếm" đứa con của mình mà không hề nghĩ tới cảm giác của nó. Đứa con của Tú Hạnh hay Huy Hương còn quá nhỏ nên chúng chưa cảm nhận được sự thiếu hụt hay chạnh lòng khi thấy bố và mẹ liên tục nói xấu nhau. Nhưng chắc hẳn khi lớn lên, những ý nghĩ không tốt về cha, mẹ mà chúng đã bị "tiêm nhiễm" từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của chúng.

Còn đối với Lan, cô con gái 13 tuổi (Ngô Thì Nhậm - Hà Nội) khi chứng kiến bố mẹ ra tòa không tiếc lời thóa mạ nhau, tranh giành tài sản, con cái, Lan đã bị trầm cảm nặng nề. Không muốn ở với bố mẹ, em về ở với bà nội, sau một thời gian, em phá phách, chơi bời, trượt dài trên con đường sa đọa mà không ai trong gia đình có thể đưa em ra khỏi con đường ấy, một phần rất lớn bởi sự chấn động tâm lý mà em đã phải trải qua.

 

Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được phép cản trở. Tuy vậy, những trường hợp người cha, người mẹ bị cấm cửa, gây trở ngại cho việc thăm nuôi con vẫn diễn ra phổ biển.

Vì chạy theo sự đau đớn, tức giận, hờn trách, nhiều người vợ, người chồng nói xấu, xa lánh người cũ, ngăn cản mối quan hệ của con với người cũ. Vì cảm xúc cá nhân, sự ích kỷ, sự giận dữ che mờ mắt, họ đã tước đi của con mình quyền được yêu thương, chăm sóc bởi chính cha/ mẹ đẻ của mình. Đó là một thiệt thòi không thể bù đắp nổi, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm lý, tương lai và hạnh phúc của con. Nhiều người cha/ mẹ nghĩ rằng họ đã chiến thắng trong việc kéo được con về phe mình, con cái yêu quý và trung thành với mình hơn người cũ. Họ không lường trước được tương lai, khi con lớn lên sẽ quay lại oán trách cha/mẹ, sẽ nhận ra cha/mẹ làm như vậy chỉ vì sĩ diện, ích kỷ của bản thân.

Các chuyên gia tư vấn cho rằng, những người làm cha làm mẹ khi ly hôn không nên chỉ nghĩ tới sự thỏa mãn ích kỷ của mình mà cần nghĩ tới cuộc sống và tương lai của những đứa con. Hơn ai hết, chúng là người chịu thiệt thòi "kép", rất dễ bị tổn thương và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả cuộc đời của chúng. Những người làm cha, làm mẹ cần phải xây dựng mối quan hệ, mối liên minh tích cực với bạn đời cũ nhằm hạn chế nỗi đau cho con, cùng nhau hành động vì lợi ích của con. Việc cha mẹ cùng nhau bàn bạc trao đổi gạt bỏ cái tôi của bản thân và nỗi đau trong quá khứ để tập trung vào đáp ứng nhu cầu của con, vì hạnh phúc của con sẽ làm giảm thiểu nỗi đau cha mẹ ly dị và nhiều hậu quả đáng tiếc khác. Hãy cư xử có văn hóa để kết thúc sẽ trở thành mở đầu tốt đẹp và hạnh phúc hơn.