Hãy tin vào cổ tích

ANTĐ - “Cổ tích tình yêu” là một cuốn nửa tự truyện, nửa nhật ký kể về chuyện đời của cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Phương với bao nỗi éo le. Ở đó, còn là một câu chuyện tình đẫm nước mắt, cùng những câu chuyện khó tin, nhưng lại có thật trong cuộc đời…

Gia đình nhỏ, với bé Bảo Phúc đã viết nên câu chuyện tình đẹp

Phận người mong manh 

Nguyễn Thị Phương (tác giả và cũng là nhân vật chính của cuốn sách vừa được NXB Công an Nhân dân ấn hành) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Kỳ - Nghệ An nghèo khó. Tai họa ập xuống khi cô vừa tròn 16 tuổi, và rồi cái bóng ma có tên gọi “u máu tủy sống” đã đeo đẳng và đẩy cô gái trẻ từ bất hạnh này đến bất hạnh khác. Lần đầu khi chạm mặt căn bệnh quái ác này, cô đã được các bác sĩ bệnh viện Quân y 103 mổ lấy khối u, sau một thời gian dài điều trị, cô bắt đầu hồi phục. Khi ấy, nhà quá nghèo, bữa no bữa đói, mấy đứa em sau Phương phải bỏ học giữa chừng là động lực khiến cô dù đau ốm vẫn quyết đi theo chúng bạn vào miền Nam mưu sinh. Sau nhiều lần vất vơ tìm việc, rốt cuộc cô trụ lại ở Công ty Giày da thuộc khu công nghiệp Sóng Thần. Đồng lương ít ỏi, nhưng chi tiêu dè sẻn, vì thế hàng tháng Phương vẫn dành được một khoản gửi về quê cho các em ăn học. Những ngày ở đây, Phương đã gặp và yêu thương một người đàn ông và rồi tình yêu đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cô vượt qua bao bão giông của cuộc đời.

Người đàn ông đó tên Trương Văn Chín - người miền Tây Nam bộ, bộ đội đóng quân ở Quân đoàn 4, sinh năm 1978, hơn Phương một tuổi. Khi tình yêu bắt đầu nảy nở thì đó cũng là lúc căn bệnh u máu tủy sống tái phát. Sau những ngày tuyệt vọng, khóc ròng từ bệnh viện này sang bệnh viện khác ở TP.HCM, ở đâu cô cũng chỉ nhận được cái lắc đầu cảm thông thì cũng là lúc điều kỳ diệu đã đến với cô. Thông qua sự giới thiệu của GS.TS Võ Văn Thành - Trưởng khoa Cột sống A, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, cô gặp được một vị Giáo sư người Pháp. Bằng phương pháp bơm tắc động mạch, vị giáo sư này đã khống chế thành công sự phát triển của khối u, căn bệnh nan y, nhờ thế mà bệnh tình thuyên giảm. 6 tháng trời bệnh tật, ở bên cạnh phương luôn có Chín. Khi cô phục hồi sức khỏe cũng chính là lúc, bố mẹ Chín có cơi trầu đến nhà Phương, xin được nhận cô về làm dâu. 

Nhưng cuộc đời vốn dĩ trớ trêu, khi con người ta đang tràn trề hy vọng và hạnh phúc thì đó cũng là lúc nghiệt ngã và tuyệt vọng đẩy họ xuống hố sâu. Tròn 15 tháng sau ca phẫu thuật của vị Giáo sư người Pháp, căn bệnh tiếp tục tái phát. Không có tiền, suốt 6 tháng ròng, Nguyễn Thị Phương vẫn phải lê lết đi làm. Không đi được thì nhờ bạn bè dìu từng bước cho đến khi đôi chân của cô liệt hoàn toàn. Lần thứ 2, vị bác sĩ người Pháp kia trở lại Việt Nam để điều trị cho cô. Nhưng lần này ca phẫu thuật thất bại. Căn bệnh đang đeo đẳng trên cơ thể Phương đã ở mức quá nặng. Vị giáo sư tốt bụng trước khi về nước đã để lại một lời hứa: “Bác sẽ về nước và tìm ra một phương pháp hiệu quả nhất, khi nào thành công nhất định sẽ trở lại chữa cho cháu”. Chờ đợi đến bao giờ, trong khi tiền không có. Và việc đầu tiên Phương nghĩ đến trong cơn tuyệt vọng là viết thư đoạn tuyệt với Chín.

“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”

Trở về quê đồng nghĩa với chấp nhận chờ cái chết đến, nhưng không về quê thì đi đâu? Làm gì? Tiền không có đủ để nộp viện phí? Nhìn thấy con gái đang chờ chết từng ngày người mẹ nghèo đành gạt nước mắt đưa con về. 4 tháng lăn lóc từ đầu giường đến cuối giường, ngày ngày chứng kiến gương mặt hiu hắt của lũ em, tiếng thở dài của mẹ, Phương mấy lần tìm đến cái chết. Nhưng rồi lại nghĩ đến lời răn trong kinh Phật “Mệnh của mình chưa hết, cho dù có tự tử cũng không chết, mà ngược lại còn đau khổ hơn nhiều”. Cô chấp nhận cuộc sống không tương lai, không hy vọng… Nhưng sau tròn 4 tháng viết thư đoạn tuyệt với người yêu, một chiều, lại nghe tiếng Chín lao xao ngoài ngõ, cứ ngỡ trong mơ, nhưng lại là sự thật, anh đã tìm về với cô… Và định mệnh như trêu đùa, lại đúng cái lúc tuyệt vọng nhất thì hy vọng được nhen lên. Vị Giáo sư người Pháp kia đúng hẹn trở lại, với phương pháp chữa bệnh mới. Nụ cười chớm nở trên môi cô gái trẻ nhưng rồi bỗng dưng vụt tắt, khi một lần nữa, ca phẫu thuật không thành công. Hơn 7 tiếng đồng hồ mê man trên bàn mổ, lúc tỉnh dậy thì từ ngực trở xuống cứng như một khúc cây. Rồi cứ nằm bệnh viện như thế, gần nửa năm trời sau đó, lại thêm một lần mổ, nhưng rồi sức khỏe còn tồi tệ gấp trăm lần. Cuộc đời Phương gắn liền với chiếc xe lăn từ đó. 

Đã có cả ngàn lần, Phương nói lời đoạn tuyệt với Chín, đã có lúc cô van vỉ anh rằng hãy quên cô đi, hãy tìm cho mình một hạnh phúc mới. Nhưng chàng trai miền Tây Nam bộ ấy đã đáp trả những lời xua đuổi lúc thì bằng một nụ hôn ngọt ngào, lúc lại bằng thái độ cương quyết “em chết thì anh cũng chết theo”, lúc lại bằng thái độ dửng dưng, trì hoãn “Em cứ để anh chăm sóc em, từ từ rồi tính”. Và thế rồi, cái kết cho tình yêu cổ tích là một đám cưới. 8 tháng 12 ngày sau, một bé trai bụ bẫm ra đời, chứng minh rằng, chỉ cần yêu nhau, con người ta có thể vượt qua được mọi khó khăn, rào cản và định kiến. Từ một chàng trai miền sông nước, Chín đã quen dần với cuộc sống khó khăn trên đất Tân Kỳ - Nghệ An. Anh mày mò, nghiên cứu biến mảnh vườn sỏi đá phía trước ngôi nhà Phương thành một vườn cây ăn trái xanh tốt, đem lại thu nhập cho gia đình. Việc ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân cho Phương lại cũng một tay anh xoay trở. Hai con người ấy đã viết nên một câu chuyện tình thật đẹp, mà nếu ai không được tận mắt chứng kiến, chỉ nghe kể lại thì khó có thể tin rằng nó còn tồn tại trong xã hội hiện đại với đầy rẫy những cuộc tình bán mua, đổi chác…