Hậu quả từ những tin đồn thất thiệt

ANTĐ - Sau khi Công an TP Hà Nội và Công an TP Hải Phòng làm rõ các đối tượng tung tin thất thiệt về vụ 3 cô gái bị đối tượng xấu dùng dao lam rạch đùi lên trang facebook, trên mạng internet đã xuất hiện những chia sẻ phải cẩn thận hơn khi tiếp nhận và xử lý thông tin.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 9-5, lực lượng Chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã làm rõ Nguyễn Khánh Thành, SN 1986, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa (Hà Nội), quản trị trang “Trường xưa.vn” thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ đã tung tin đồn thất thiệt với nội dung “nữ sinh Hà Nội bị rạch đùi” lên trang  facebook, gây hoang mang dư luận. Tại cơ quan điều tra, Thành khai sau khi truy cập vào trang facebook của một người khác và đọc được nội dung vụ 3 nữ sinh bị rạch đùi, nơi xảy ra ở khu vực trước cổng Nhà hát lớn TP Hải Phòng, Thành ngỡ người này viết sai địa danh đã tự sửa thành “Nhà hát lớn TP Hà Nội”. Đồng thời, trong tin Thành còn viện dẫn lời một cán bộ Phòng CSHS - CATP Hà Nội kể lại việc đó, làm cộng đồng mạng hết sức lo sợ. Theo lời khai của Thành, đối tượng còn tiếp tục chia sẻ trên trang “Trường xưa.vn” và cho đăng tải hình ảnh dao lam kèm theo bài viết. 

Một ngày sau khi lực lượng Chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS - CATP Hà Nội làm rõ người tung tin không có thật về vụ 3 cô gái bị rạch đùi lên mạng internet, Cơ quan CSĐT - CATP Hải Phòng đã triệu tập 4 đối tượng liên quan đến việc tung tin thất thiệt vụ 3 cô gái bị rạch đùi ở trước cổng Nhà hát lớn TP Hải Phòng lên trang facebook. Cũng giống như Thành, các đối tượng khai do lo sợ các bạn nữ sẽ là những nạn nhân kế tiếp, nên đã chia sẻ lên mạng nhằm cảnh báo và ngăn chặn. 

Chiều 13-5, trao đổi với phóng viên ANTĐ, Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho hay: “Tác hại của những luồng thông tin như vậy rất khó lường”. Không chỉ được đăng tải trên mạng internet, ngoài xã hội cũng có nhiều nguồn tin không có thật được đồn thổi dưới nhiều hình thức khác nhau. Cách đây không lâu, trên facebook và nhiều trang mạng xã hội khác lan truyền những thông tin về “Ngôi nhà ma, dòng sông linh thiêng, người nhìn thấy đĩa bay…” ở nơi này, nơi khác, làm dư luận không ngớt xôn xao, bàn tán. Những thông tin về đời tư các “sao”, doanh nhân, công chức… cũng “lộ” trên các trang mạng, khiến nhiều người bức xúc. Phân tích và đánh giá những phức tạp xung quanh việc tung tin đồn thất thiệt, Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc - Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ: “Tin đồn thất thiệt gây tác hại với nhiều mức độ khác nhau. Liên quan đến đời tư với những thông tin không chính xác, hậu quả sẽ làm cho bản thân và gia đình người bị đưa tin điêu đứng. Đối với các vấn đề về ANTT, tin đồn thất thiệt gây hoang mang, bất an trong dư luận”. Theo ông Phạm Thanh Bình, trước mọi thông tin “nhạy cảm” được đồn thổi và đăng tải trên các trang mạng xã hội, mọi người cần kiểm chứng kỹ càng trước khi lan truyền hoặc chia sẻ, tránh rơi vào bẫy kẻ xấu, để pháp luật phải xử lý theo những mức độ vi phạm khác nhau.