Cô gái bệnh phong vượt qua "bão" dư luận để có con

ANTĐ - Muốn găm vào cuộc đời đầy tật bệnh của mình một điều ý nghĩa, đó là quyền được làm mẹ, Lưu Thị Phượng ở làng phong Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã phải chấp nhận bao nỗi vất vả, nghiệt ngã của cuộc đời. Nhưng cô đã chứng tỏ sức mạnh của nỗi khát khao làm mẹ đã  vượt ra khỏi bao tủi buồn của cuộc đời như chiếc mầm bật ra từ thân cây xù xì khô khốc.

1. Ấn tượng với tôi ngay từ lần đầu gặp Phượng ở làng phong Quỳnh Lập là một cô gái gầy gò đến mức không thể gầy hơn. Các ngón tay bị vi trùng ăn dần đã cụt hết, trơ khấc. Mỗi khi cô đưa tay lên mặt, hay với lấy một cái gì đó, thật khó khăn. Các ngón chân bị “gặm” nham nhở. Nhưng chính cái hình ảnh của cô đã khiến không ít nhà hảo tâm quan tâm đến cô, để từ đó cô được hỗ trợ trong điều trị không chỉ bệnh phong mà cả những căn bệnh khác cô đang mang trong người.

Đúng ra, cô đã từng có gia đình nhưng tai họa đã cướp mất tổ ấm ấy. Nhà cô ở ngôi làng cách biển không xa, người nông dân cả đời lam lũ bám biển bám ruộng. Mồ côi bố từ khi lên ba, người mẹ ốm yếu vịn vào một niềm tin rằng ngày mai sẽ khác, để nuôi ba cô con gái và một cậu con trai lớn lên. Tuổi thơ cô sẽ bớt thiệt thòi nếu đừng mắc bệnh phong. Nhưng bệnh tật chẳng chừa ai, kể cả một người đã thừa thiệt thòi như cô. Hai người chị của cô cũng sẽ được hưởng hạnh phúc, có gia đình riêng nếu bệnh phong không đổ lên thân hình họ. Người chị Lưu Thị Hồng đã được đưa vào làng phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương) để điều trị từ năm 1990. Người chị khác của Phượng, trong lần truyền thuốc bị sốc đã qua đời. Cả ba chị em đều không nhận được sự sẻ chia của hai bên họ hàng nội ngoại. Trái lại sự kỳ thị cứ khắc vào lòng ba chị em cô những vết thương sâu hoắm. 

Cô gái bệnh phong vượt qua "bão" dư luận để có con ảnh 1Để có đứa con, Phượng đã phải vượt qua nhiều điều tiếng

Rồi đến lượt Phượng, dẫu mẹ cô muốn chăm sóc con cũng “lực bất tòng tâm”. Năm cô 13 tuổi bà phải mang con đến gửi vào làng phong, nằm cô quạnh sát bờ biển, biệt lập với thế giới bên ngoài để các bác sĩ chăm sóc. Phượng nhớ, đó là một ngày biển buồn lắm, chỉ ngân những tiếng thở dài. Cô gào khóc vì phải xa mẹ, nhưng rồi chợt yên tâm vì nơi đó, chính những bệnh nhân đang rụng từng đốt ngón tay, phải cắt từng khớp xương chân đã động viên cô. Cô cảm giác mình được chia sẻ và bao bọc. Cứ vài tháng cô lại được mẹ vào đón về nhà chơi mấy ngày. Khi ấy, cô nhận ra một điều khiến bản thân đau hơn cả khi bị bệnh tật hành hạ, đó là nỗi đau của người mẹ. Phượng sống buồn hơn, nội tâm hơn.“Em đã khổ, nhưng mẹ em còn khổ hơn, bởi mẹ em bị đối xử rất tệ. Bà đã mất trong bệnh tật và uất ức. Em chỉ biết dựa vào mẹ, giờ mẹ cũng không còn”, Phượng thảng thốt.

2. Cuộc sống của Phượng chắc sẽ chìm trong bệnh tật, cho đến mùa xuân 2003, một hoàn cảnh xảy đến khiến cô đổi khác. Cô quen anh T., đã có vợ con, làm bảo vệ ở một nhà máy qua một người bạn. Ở độ tuổi đôi mươi, với cô khi đó, gặp một người dù đã có gia đình cũng coi như niềm hạnh phúc. Nhất là khi người ấy tỏ thái độ quý mến. Cô nói với lòng mình cần “xin” một đứa con làm chỗ dựa. Một điểm tựa nương để sống tiếp những tháng ngày khó lường sắp tới. Nhưng sẽ phải đối mặt thế nào với dư luận ở làng phong?

“Lúc mến anh ấy, em chẳng dám nói với ai. Em chỉ nghĩ rằng mình cần thôi nên nếu khổ em cũng chấp nhận”. Vâng, chắc cô có đôi phần xấu hổ, nhưng cái “cần thôi” đã chiến thắng. Với cách nghĩ đơn giản và bản năng như hàng nghìn phụ nữ không chồng mà có con khác, Phượng không thể ngờ được việc làm ấy buộc cô phải đứng lên đối mặt với khó khăn và dư luận. Những người thông cảm, chia sẻ với cô gái bệnh tật, nhưng lại không thể chấp nhận chuyện cô ấy mang bầu. Từ khi biết cô mang thai, “mưa” dư luận đã trút lên cô. Làng phong vốn trầm lắng đến hoang vắng, thì được thể sôi lên như bão. Nhiều ánh mắt xăm soi đổ dồn vào cô gái gầy xiêu vẹo khiến cô cúi gằm mặt cả ngày.

Rất quý cô, vợ chồng ông Phạm Đình Tiến, cũng là bệnh nhân (người ở Quảng Bình) nhận Phượng làm con gái, đã “mở đường” cho cô. Trước là thông cảm cho nguyện vọng của con gái, sau ông bà “làm tư tưởng” với cán bộ, bác sĩ và cả bệnh nhân ở làng phong. Nhưng Phượng vẫn luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, bất an. Có những lúc Phượng đã xếp sẵn quần áo vào chiếc túi và có ý định: “Nếu không ở được thì đi luôn”. Nhưng rồi mọi thứ cũng vẫn cứ trôi đi, dù trôi đi theo những cách khác nhau.  Cho đến khi cô sinh con ra, dư luận cũng chùng xuống những lời chê trách, đàm tiếu. Qua bao vất vả, rồi tuyệt vọng, một cánh cửa đã mở ra trước mắt Phượng.

Năm tháng chất chồng năm tháng. Làng phong nép mình bên bờ biển và những con sóng biển đã xoa dịu không chỉ nỗi đau mà cả cơn sóng dư luận mà Phượng phải chịu. “Nếu Phượng không quyết tâm, nghe theo những lời động viên và vượt qua thì đâu có con gái chải tóc cho mình như bây giờ. Bây giờ thì Phượng vui rồi, có niềm an ủi, có chỗ nương nhờ. Cuộc sống cũng vì thế mà có ý nghĩa hơn”, ông Phạm Đình Tiến tâm sự.

Giờ đây, cứ hàng quý Phượng phải ra Hà Nội để điều trị bệnh gan và dạ dày. Những ngón tay, ngón chân vẫn nhức nhối. Cô không biết cánh tay mình, bao giờ thì thứ vi trùng khủng khiếp kia sẽ gặm hết, nhưng chỉ nghĩ đến chuyện mình có đứa con gái đã lên 10 tuổi, mới được một nhà từ thiện nhận làm con nuôi, chu cấp cho ăn học thì Phượng đã nghị lực hơn rất nhiều.  Con gái khỏe mạnh, có tương lai và sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cô. Phượng vui hơn và nghĩ tới những hoàn cảnh khó khăn khác để chia sẻ, giúp đỡ. “Vi trùng gặm tay em, nhưng em sẽ không gặm lại những ngày sống đáng quý của mình. Dù bệnh tật, em vẫn cố gắng sống tốt”, Phượng khẳng định.

Chiều đứng trước biển, Phượng bảo: “Em thấy mình như một hạt cát. Trước đây từng chán nản, giờ em lạc quan lắm rồi. Chắc mọi người ở đây cũng thương em, vì em đã dám làm điều có nghĩa cho bản thân”. Lời cô thì thào. Trước bao la biển nước, cô càng mỏng manh và yếu ớt. Câu chuyện của cô khiến nhiều người phải suy nghĩ. 

Tạm biệt Phượng, cô gái đã nhận mình là một hạt cát làng biển. Vâng, cô không chỉ là một hạt cát, mà vẫn là một con người, có quyền sống và ước mơ.