Phản ứng mạnh nhất có lẽ là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khi cho rằng, trong điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, trước mắt chưa nên cho phép người Việt Nam vào casino nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tránh lệch lạc về lối sống, dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội. Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng nhấn mạnh không nên kích thích “máu đỏ đen” của người Việt Nam.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ-Môi trường lại có cách nhìn “bình thường hóa” hoạt động này, bởi rất nhiều người vào casino không chỉ để chơi trò may rủi mà còn để giải trí, tiêu khiển. Hơn thế, ngày càng có nhiều người Việt sang Campuchia, Hồng Kông, Ma Cao, Malaysia chơi trong casino. Nếu vẫn cấm người Việt vào casino ở Việt Nam, không chỉ “chảy máu” ngoại tệ, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Cố vấn đầu tư đặc khu kinh tế và khu phức hợp casino Vân Đồn, đồng thời là chuyên gia Tập đoàn Scientific Games đa quốc gia chuyên xây dựng hệ thống xổ số điện toán, cá cược thể thao và casino, cho rằng không nên “quan trọng hóa” việc cho người Việt vào chơi trong casino. Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp giải trí có thưởng và casino ở nhiều nước đã thay đổi và phát triển rất nhanh. Casino không còn là sòng bài ở những vùng xa xôi, hẻo lánh phục vụ “con nghiện” đỏ đen kèm theo rửa tiền, mại dâm, ma túy. Hiện nay, một số lớn casino đặt trong trung tâm hay gần thành phố lớn, bao gồm khu mua sắm, bảo tàng nghệ thuật, khu vui chơi giải trí cho gia đình…
Trên thế giới hiện có 124 quốc gia cho phép kinh doanh casino và trò chơi điện tử. Hiện nước ta có 5 dự án quy mô nhỏ, 2 dự án lớn và 2 casino đã cho phép triển khai. Còn nhiều ý kiến tranh cãi trái ngược, song câu hỏi lớn đặt ra là quy định, quản lý, kiểm soát hoạt động này như thế nào? Đối tượng nào được tham gia, số lượng casino cũng như địa điểm kinh doanh ra sao? Một điều không cần bàn cãi là, kinh doanh loại hình “cờ bạc” này dù sẽ mang về cho ngân sách một khoản tiền “hấp dẫn”, nhưng hệ lụy cũng khôn lường.