Hào phóng cho đi

ANTĐ - Hôm nay thực sự là một ngày tồi tệ với Natalie. Từ sáng sớm Natalie đã gặp phải vấn đề nan giải trong công việc, hợp đồng của công ty với khách hàng do cô phụ trách bị hủy, sếp mắng cô không tiếc lời, ra quyết định cắt thưởng 3 tháng mà không cần biết những cố gắng, nỗ lực của cô trong thời gian qua. Đồng nghiệp thì chơi xấu sau lưng cô, họ nói bóng gió rằng vì cô làm việc quá chăm chỉ nên làm cho những người lười biếng ngứa mắt.

Càng nghĩ Natalie càng thấy hoang mang và lo lắng, cô thấy mất lòng tin vào con người, vào cuộc sống. Cô không biết mình sẽ phải bắt đầu ngày mai như thế nào, cứ thế cô bước đi trong vô định. Quá mệt mỏi, Natalie ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh công viên, đập vào mắt cô là hình ảnh một ông lão gày gò, lưng còng đang ôm xấp báo ngồi nghỉ ở bên vệ đường. Ông lão trông khá mệt nhọc, chắc là ông đã đi bộ khá nhiều cả ngày hôm nay. “Đáng lẽ ở tuổi này, ông lão đã phải được nghỉ ngơi rồi chứ”, Natalie nghĩ.

Cô bước lại gần định bụng sẽ mua giúp ông tờ báo thì một cậu bé đánh giày lấm lem chạy tới hỏi ông lão: “Ông ơi ông đánh giày nhé?”, ông lão bán báo nhìn xuống đôi giày cũ bẩn của mình, ái ngại nhìn cậu bé rồi ông gật đầu, cúi xuống tháo đôi giày ra khỏi chân đưa cho cậu bé. Cậu bé mừng rỡ, vừa đánh giày vừa nói chuyện: “Em cháu cần một bộ quần áo mới để đi học, sắp vào năm học rồi mà cháu chẳng có mấy khách, cháu cảm ơn ông đã đánh giày cho cháu”.

Nghe câu chuyện của ông lão bán báo và cậu bé đánh giày, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cuống họng Natalie. Ông lão bán báo bảo: “Đi theo ông, ông sẽ mua cho em cháu bộ quần áo mới”, cậu bé đánh giày ngạc nhiên và đi theo ông lão đến chợ. Natalie cũng bước theo sau. Ông lão bán báo chọn cho cậu bé đánh giày bộ quần áo, ông run rẩy lấy trong túi áo khoác cũ sờn ra những đồng tiền lẻ nhàu nát, vuốt phẳng và xếp gọn lại đưa cho người bán hàng, rồi ông nở nụ cười hiền hậu bảo cậu bé đánh giày đi về nhà. Cậu bé đánh giày cứ rối rít cảm ơn ông rồi nhảy chân sáo về nhà.

Natalie xúc động đến trào nước mắt, cô bước đến mua nốt những tờ báo trên tay ông lão và bảo: “Ông thực sự là một vị anh hùng. Cháu cảm ơn vì lòng tốt của ông!”. Khi bước đi, Natalie vẫn thoáng thấy nụ cười hạnh phúc phảng phất trên gương mặt ông lão.

Mọi nỗi buồn bực, chán nản, hoang mang của Natalie dường như biến mất. Thật kỳ diệu! cô lại thấy niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp dâng trào và cô muốn được là một phần trong đó. Sống cống hiến và hết mình, hào phóng cho đi yêu thương giữa người với người, kể cả người xa lạ, chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp và đáng sống biết bao!