Hành động khuếch trương sức mạnh

ANTĐ - Ba khu trục hạm thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã rời cảng Tam Á (tỉnh Hải Nam) để tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông và các vùng biển lân cận. 

Hành động khuếch trương sức mạnh ảnh 1

Khu trục hạm lớp 052D của Trung Quốc

Theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trong số các chiến hạm tham gia tập trận, có khu trục hạm Hợp Phì thuộc lớp Type 052D mang tên lửa dẫn đường mới nhất cùng hệ thống radar tiên tiến và khu trục hạm loại 052B mang tên lửa đa năng Quảng Châu. Bên cạnh đó là hai chiến hạm đa năng Tam Á và Ngọc Lâm Type 054A cùng tàu tiếp liệu Hồng Hồ. 

Cùng trực thăng và lính đặc công, hạm đội tham gia tập trận sẽ chia làm 3 nhóm đến Biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương để tiến hành các cuộc tập trận đa dạng. Các máy bay của Hải quân và Hạm đội Bắc Hải cùng lực lượng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng cũng được điều động tham gia.

Theo thông báo của phía Trung Quốc thì đây là cuộc tập trận thường niên với mục đích “nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp giữa tàu chiến, máy bay và các lực lượng khác”. Nhưng việc một lực lượng lớn cùng các trang thiết bị hiện đại được huy động tham gia tập trận cùng những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông khiến dư luận phải tìm hiểu kỹ về bản chất sự kiện. 

Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Các hành vi gây hấn trên Biển Đông mà Trung Quốc liên tiếp thực hiện trong thời gian gần đây, trong đó nghiêm trọng nhất là bồi lấp và quân sự hóa các đảo, đá và rạn san hô trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã gặp phải sự phản ứng mạnh của dư luận thế giới.

Nhiều lần khẳng định không phải một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Mỹ tuyên bố có những lợi ích chiến lược ở vùng biển huyết mạch này. Lầu Năm Góc đã nhiều lần cử chiến hạm và máy bay áp sát các thực thể Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Mới tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A. Carter đã thăm tàu sân bay USS John C. Stennis khi nó hoạt động ở vùng biển nằm cách đảo Luzon của Philippines 110 km về phía Tây.

Sự hiện diện của Mỹ trên Biển Đông khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại. Chính vì thế, các động thái của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực được coi là hành động phản ứng theo kiểu nắn gân giữa hai bên.

Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia bình luận quân sự ở Thượng Hải, cho rằng: “Trung Quốc đưa các tàu chiến hiện đại nhất vào biên chế Hạm đội Nam Hải nhằm phản ứng với các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông dù hai bên sẽ thận trọng để tránh sự cố. Trung Quốc muốn khoe sức mạnh cơ bắp”.

Cuộc tập trận lần này nằm trong chiến lược chung đó của Trung Quốc. Nó cũng cho thấy cách Bắc Kinh muốn thể hiện sức mạnh trong bối cảnh Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông.

Hãng tin Tân Hoa xã còn cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận tại Biển Đông trong tháng này, với nhiều chiến hạm và tàu ngầm tiên tiến. Với những hành động như vậy, tình hình trên Biển Đông chắc sẽ còn diễn biến phức tạp.