Hàng năm, Bộ Chính trị sẽ nghe và cho ý kiến về biên chế

ANTĐ - "Hàng năm Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến về biên chế, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị làm việc này", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo trước Quốc hội, trong phiên trả lời chất vấn sáng nay (20/11). 
Biên chế tăng do chia tách nhiều Sáng nay Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đăng đàn, trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH.
Hàng năm, Bộ Chính trị sẽ nghe và cho ý kiến về biên chế ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên trả lời chất vấn ngày 20/11

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng việc tinh giản đội ngũ cán bộ công chức thời gian vừa qua không đạt kết quả như mong muốn. Ông lấy ví dụ số cán bộ công chức (CBCC) nghỉ chế độ chính sách trong 3 năm từ 2010-2012 là 28.132 người so với số tuyển mới là 69.851 người như vậy tăng 41.719 người (148%). "Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng số lượng CBCC,VC không những không giảm mà thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện NQ 132 về tinh giản biên chế. Kế hoạch của Bộ Nội vụ trong thời gian tới về vấn đề này ra sao?", ông Vinh đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCC,VC nâng cao chất lượng đội ngũ, để hoàn thành nhiệm vụ trong từng cơ quan tổ chức, đơn vị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã thực hiện trong nhiều năm qua. Ông đưa ra những con số: Biên chế công chức của năm 2007 là 238.668 người, đến năm 2012 là 274.694 người, tăng 35.934 người; Số lượng viên chức năm 2007 là 1.490.544 người đến năm 2012 là 1.872.044 người, tăng 384.497 người. Số lượng CBCC năm 2013 và 2014 sẽ không tăng; riêng số lượng viên chức Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ ngành địa phương để xem xét cân đối.

Lý giải về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết lượng CBCC,VC tăng do: một số địa phương được chia tách; các đơn vị được thành lập mới, hoặc bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ. Một số lĩnh vực tăng là về môi trường, đất đai, biển và hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số kế hoạch hóa gia đình, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, xây dựng, lao động, thuế, hải quan, kiểm lâm, y tế, quản lý dược.... Ngoài ra còn do các trường ĐH, CĐ, dạy nghề; bệnh viện, các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao được thành lập mới, để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước.

Giải pháp về tinh giản biên chế được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra: Từ nay đến năm 2016 về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức, trừ trường hợp cơ quan thành lập mới, hoặc phát sinh nhiệm vụ mới; thực hiện quản lý công chức thống nhất của cả hệ thống chính trị, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về biên chế.

"Do tính quan trọng đặc biệt của biên chế mà toàn xã hội quan tâm, tại hội nghị Trung ương 7 khóa XI vừa qua, phần kết luận có quy định, hàng năm Bộ Chính trị nghe và cho ý kiến về biên chế, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị làm việc này"- Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói- "Đổi mới cơ chế quản lý CBCC,VC trên cơ sở xác định vị trí việc làm, đây là vấn đề mới, khó và lần đầu tiên được làm tại nước ta. Tiếp tục tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối; đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công; tăng cường kiểm tra việc thành lập giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập..."
Hàng năm, Bộ Chính trị sẽ nghe và cho ý kiến về biên chế ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Danh Út (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ sáng 20/11
30% công chức không được việc chỉ là dư luận
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu vấn đề:  Trong khi có rất nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp thì có khoảng 30% CBCC,VC không làm được việc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Đồng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) nêu con số: đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 1.700.000 viên chức và có hơn 500.000 công chức, trong đó có tới 64.000 CBCC chưa qua đào tạo chuyên môn.

“Đó là điều rất đáng buồn, vậy tôi đề nghị Bộ trưởng đánh giá việc triển khai luật cán bộ công chức như thế nào. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có hơn 30% cán bộ công chức không làm được việc. Thực hư câu chuyện đó thế nào, Bộ trưởng có thấy điều này bất hợp lý hay không? Tại sao để tình trạng kéo dài đến vậy?"- Ông Nghĩa chất vấn.

Ở chỗ này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích: "Trong cuộc họp tổng kết ngành nội vụ của năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có dư luận cho rằng có mấy mươi phần trăm đó là như thế nào. Đây không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng. Trước khi đi nước ngoài công tác, Phó Thủ tướng nói nếu đại biểu có hỏi, thì Phó Thủ tướng cũng nói là có dư luận cho rằng như vậy. Còn về quan điểm của Bộ Nội vụ, chúng tôi cho rằng đây là những phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới cải cách CBCC nhiều hơn”.

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấn của mình trước Quốc hội.