Hàng loạt ngân hàng tăng trưởng tiền gửi trên 20% trong 9 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp lãi suất xuống thấp, tiền gửi vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Nhiều ngân hàng ghi nhận huy động vốn tăng tới trên 20% trong 9 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng thì tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm, dù lãi suất xuống thấp. Trong đó, các ngân hàng có vốn Nhà nước dù tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn chiếm thị phần áp đảo.

Cụ thể, Ngân hàng BIDV giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,583,5 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 7,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 84% với hơn 59.000 tỷ đồng.

Tại Vietcombank, số dư tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9 đạt 1,349 triệu tỷ đồng. Dù luôn dẫn đầu làn sóng giảm lãi suất huy động, song tăng trưởng tiền gửi vẫn đạt gần 8,5%.

Trong đó, tăng trưởng tiền gửi tập trung ở tiền gửi có kỳ hạn với mức tăng mạnh trên 12,5%, đạt gần 927 nghìn tỷ đồng; trong khi tiền gửi không kỳ hạn lại suy giảm nhẹ từ mức trên 402 nghìn tỷ đồng về mức xấp xỉ 397,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, tại VietinBank, tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp hơn, đạt gần 4,9% với 1,31 triệu tỷ đồng.

Như vậy, ngoại trừ Agribank chưa công bố báo cáo tài chính thì 3 ngân hàng có vốn Nhà nước đã huy động được trên 4,24 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Ở phía các ngân hàng thương mại cổ phần, do mặt bằng lãi suất huy động cao hơn nhiều so với khối nhà nước nên huy động vốn cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm.

Tiền gửi ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm

Tiền gửi ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm

Sacombank có quy mô tiền gửi cao nhất khối ngân hàng tư nhân, đạt gần 508.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tăng 11,7% so với cuối năm ngoái.

Tại VPBank, con số tăng trưởng tiền gửi khách hàng khá ấn tượng, lên tới 39% trong 9 tháng, đạt hơn 421.000 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng nguồn vốn huy động trong năm nay chủ yếu đến từ khối khách hàng cá nhân của ngân hàng mẹ, với mức tăng tới 60% so với đầu năm.

Tại HDBank, ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng tiền gửi lên đến trên 58% trong 9 tháng – con số cao nhất hệ thống, từ 215,8 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm lên 341,7 nghìn tỷ đồng.

Hàng loạt nhà băng khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi tăng mạnh như: VietABank 924,8%) NamABank (21%), SeABank (22%), VietBank (24,9%), SHB (18,2%), BacABank (18,2%)…

Như vậy, có thể thấy tiền gửi khách hàng vẫn không ngừng đổ vào ngân hàng, dù lãi suất xuống thấp. Hiện nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (chiếm gần 50%) thị phần tiền gửi đang niêm yết mức lãi suất ở mức thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank tối đa chỉ còn tối đa 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; Agribank, BIDV, VietinBank tối đa chỉ còn 5,3%/năm.

Tại khối ngân hàng tư nhân, việc liên tục điều chỉnh lãi suất thời gian gần đây đã khiến mặt bằng lãi suất huy động dần thu hẹp với khối Nhà nước. Hiện mức lãi suất cao trên 6%/năm chỉ còn ghi nhận ở một số ngân hàng (PVcombank, BaoVietBank, Oceanbank…), còn lại các ngân hàng đều duy trì lãi suất tiền gửi dưới 6%/năm.

Việc lãi suất thấp nhưng tiền vẫn đổ vào ngân hàng có thể giải thích là do dòng tiền nhàn rỗi đang thiếu kênh đầu tư hiệu quả.

Trong đó, sản xuất kinh doanh đình trệ, thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán chưa thực sự hồi phục, đầu tư vào vàng thì rủi ro do giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới rất nhiều...

Nhiều người dân, doanh nghiệp đã lựa chọn gửi tiền trong ngân hàng để bảo toàn vốn và sẵn sàng giải ngân khi có cơ hội.