Kết quả kinh doanh ngân hàng quý III: 16/28 ngân hàng suy giảm lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có 16/28 ngân hàng lợi nhuận trong quý suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 1 nhà băng ghi nhận kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu do lãi thuần giảm, chi phí dự phòng rủi ro tăng.

Vietcombank vẫn trụ vững trên đỉnh lợi nhuận

Đến thời điểm này, toàn bộ 28 ngân hàng niêm yết đều đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023.

Trong đó, Vietcombank vẫn là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống với 9.051 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, tăng 20% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank đạt 29.550 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 18% so với 9 tháng năm ngoái.

Ở vị trí thứ hai là MB với 7.284 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III và 20.019 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng lần lượt 16% và 10%.

Hai nhà băng có lợi nhuận sát nút nhau tiếp theo là BIDV và Techcombank với lần lượt 5.893 tỷ đồng và 5.843 tỷ đồng. Dù vậy, hai nhà băng cùng chứng kiến sự suy giảm lợi nhuận lần lượt 12% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV vẫn giữ được tăng trưởng lợi nhuận 12% (đạt 19.763 tỷ đồng), còn Techcombank suy giảm 18% (đạt 17.115 tỷ đồng).

Đa phần các ngân hàng suy giảm lợi nhuận trong quý III

Đa phần các ngân hàng suy giảm lợi nhuận trong quý III

Một số nhà băng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng trưởng dương như: ACB đạt 5.035 tỷ đồng trong quý III, đạt 15.024 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng lần lượt 13% và 11%.

HDB đạt 3.147 tỷ đồng trong quý III, tăng 16% so và 8.631 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ. Sacombank đạt 2.085 tỷ đồng lợi nhuận quý III(tăng 36%) và 6.840 tỷ đồng trong 9 tháng (tăng 54%).

OCB cũng ghi nhận lợi nhuận tăng tới 49% trong quý III và tăng 48% trong 9 tháng, đạt lần lượt 1.355 tỷ đồng và 3.915 tỷ đồng…

Một số ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III gồm: MBS, Kienlongbank, SaigonBank…

Vì sao nhiều nhà băng sụt giảm lãi

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong các hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư, song NCB vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế quý 3/2023 giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý 3/2023 chỉ ghi nhận con số 7 tỷ đồng.

Lý giải tình trạng này trong 9 tháng đầu năm, NCB cho biết, do tình hình kinh tế biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân là khách hàng của NCB, dẫn đến khoản mục thu nhập thuần trong hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của ngân hàng đều sụt giảm.

Một ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm sâu là Eximbank. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã giảm 76% trong quý III, xuống chỉ còn 307 tỷ đồng (từ mức 1.278 tỷ đồng trong quý III/2022). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận nhà băng này cũng giảm 46% xuống còn 1.712 tỷ đồng.

Theo lý giải của Eximbank, nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm là do diễn biến hết sức khó khăn của nền kinh tế trong nước đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của khách hàng của Ngân hàng.

Theo đó, thu nhập lãi thuần của Eximbank đã giảm gần 42%, tương đương giảm 625 tỷ đồng trong quý. Sự suy giảm này là do Ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, trong khi lãi suất huy động vốn tăng cao từ tháng 10/2022 đã làm chi phí huy động vốn tăng cao.

Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 466 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận nhà băng này sụt giảm.

ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 29,5 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 86 tỷ đồng). Tính chung 9 tháng đầu năm, nhà băng này ghi nhận lãi trước thuế 708 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân suy giảm lợi nhuận là do thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 576 tỷ đồng (giảm 21%), lãi thuần từ hoạt động khác giảm 76% xuống còn 262 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng tới 532 tỷ đồng.

Các nhà băng khác chứng kiến sụt giảm lợi nhuận trong quý III còn có: VietABank (giảm 67%), BacABank (giảm 73%), VietBank (giảm 66%), PGBank (giảm 60%), VPBank (giảm 31%), TPBank (giảm 26%), SeABank (giảm 6%), NamABank (giảm 24%), BaoVietBank (giảm 6%)…

Nguyên nhân, nhìn chung đều đến từ sự suy giảm thu nhập lãi thuần, do tín dụng tăng trưởng thấp, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp (lãi suất huy động cao, lãi vay giảm); trong khi chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng…