Hàn Quốc phát triển vệ tinh trinh sát nội địa giám sát Triều Tiên

ANTĐ - Ngày 11-6, Cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đã quyết định phát triển một vệ tinh trinh sát bằng công nghệ nội địa nhằm tăng cường khả năng giám sát Triều Tiên.

Ngày 11-6, Cơ quan mua sắm quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đã quyết định phát triển một vệ tinh trinh sát bằng công nghệ nội địa nhằm tăng cường khả năng giám sát Triều Tiên.

Trong một cuộc họp của ủy ban dự án quốc phòng, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) đã quyết định bắt đầu phát triển vệ tinh trinh sát quân sự, có khả năng trinh sát hình ảnh trên bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh, vào năm tới.

Theo DAPA, tổng số 5 vệ tinh quân sự sẽ được triển khai vào đầu những năm 2020, với một khoản ngân sách chính thức khoảng 1 nghìn tỷ won (983 tỷ USD) sẽ được dành để phát triển và sản xuất dự án này.

Cái gọi là dự án 425 này là một phần trong kế hoạch cải cách quốc phòng giai đoạn 2014-2030 của Seoul, trong đó họ cam kết sẽ triển khai 5 vệ tinh để tăng cường khả năng giám sát Triều Tiên vào năm 2022.

Hàn Quốc phát triển vệ tinh trinh sát nội địa giám sát Triều Tiên  ảnh 1
Hàn Quốc sẽ triển khai vệ tinh trinh sát để giám sát các hoạt động quân sự của Triều Tiên

“Không chỉ cho mục đích quân sự, vệ tinh mới này còn được kỳ vọng sẽ giúp dự báo và quản lý tốt hơn các thảm họa nhiên nhiên,” phát ngôn viên DAPA Baek Yoon-hyung nói với các phóng viên.

Trong cuộc họp này, chính phủ Hàn Quốc cũng đã phê duyệt kế hoạch phát triển các tên lửa phòng không tầm xa (L-SAM) bằng công nghệ của chính họ.

Việc phát triển hệ thống L-SAM, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa ở độ cao 40 km trở lên, nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong giai đoạn cuối.

Sau khi hoàn thành phát triển vào khoảng năm 2018, cơ quan này hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất hệ thống tên lửa phòng không này vào năm 2023. DAPA cho biết thêm rằng hơn 1 tỷ won dự kiến sẽ được chi cho việc nghiên cứu và phát triển hệ thống đánh chặn mới này.

Kế hoạch phát triển hệ thống L-SAM này đã thu hút được nhiều sự chú ý trong những tuần gần đây, vì nó có thể được thích hợp với hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu.