Hà Nội trình Thủ tướng phương án đổi giờ học, giờ làm:

Hạn chế khó khăn phát sinh cho người dân

ANTĐ - UBND TP Hà Nội đã chính thức trình  Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giờ làm, giờ học trên địa bàn thành phố để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Hà Nội khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp đồng bộ để chống ùn tắc

Về đối tượng điều chỉnh, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ 3 nhóm đối tượng chủ yếu. Cụ thể, nhóm 1 gồm công chức, viên chức các cơ quan Trung ương và Hà Nội, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS... thời gian làm việc và học tập giữ nguyên khung giờ như hiện nay là hợp lý, phù hợp với việc đưa đón, quản lý, chăm sóc con em của phụ huynh. Theo đó, công chức, viên chức các cơ quan Trung ương làm việc từ 7h30 đến 16h30; công chức, viên chức các cơ quan thành phố làm việc từ 8h đến 17h; học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS... học từ 8h tới 17h, bố trí giáo viên nhận các cháu từ 7h và trả vào lúc 18h.

Nhóm 2 gồm sinh viên, học viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, học sinh các trường THPT sẽ bắt đầu ca học sáng trước 7h và tan học chiều sau 18h. Nhóm 3 gồm các trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị... thời gian mở cửa sẽ bắt đầu từ 9h và đóng cửa sau 19h.

UBND TP cũng nhìn nhận, do tình trạng ùn tắc chủ yếu diễn ra ở khu vực các quận nội thành và lân cận nên thành phố đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập chỉ thực hiện trong 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho thực hiện từ 1-12-2011 hoặc 1-1-2012.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, ngoài phương án đổi giờ học, giờ làm, UBND TP sẽ tiếp tục chấn chỉnh và kiên quyết thực hiện một số giải pháp đã thực hiện trước đây như quy định giờ hoạt động cho phương tiện vận tải cồng kềnh, xe chuyên dụng cỡ lớn, xe lữ hành không được phép hoạt động trong giờ cao điểm. Cùng với đó, sẽ hạn chế và không cấp mới giấy phép hoạt động cho xe taxi, kiểm soát lại hoạt động của xe xích lô, xe ba bánh tự chế; kiểm tra, siết chặt quản lý các điểm đỗ, dừng xe, xử lý nghiêm vi phạm đỗ, dừng không đúng nơi quy định, đỗ dưới lòng đường... Đặc biệt, thành phố cũng cam kết sẽ hạn chế công trình xây dựng cao tầng trong nội thành theo đúng quy hoạch được duyệt...

Như vậy, phương án Hà Nội chính thức trình Chính phủ đã khác so với phương án do Bộ GT-VT trình trước đó. Trong đó, điểm khác lớn nhất là Hà Nội đề xuất giữ nguyên giờ làm việc của cán bộ, công chức (Bộ     GT-VT đề nghị cán bộ, công chức Trung ương đi làm từ 9h và công chức Hà Nội 8h30). Trong tờ trình hôm 6-11, UBND TP cho rằng, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm sẽ tác động tới các đối tượng liên quan trên địa bàn thành phố. Do đó, cần phải nghiên cứu một cách khoa học nhằm vừa góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng phải hạn chế tới mức thấp nhất khó khăn phát sinh cho các đối tượng trong diện điều chỉnh. Bên cạnh việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế, Hà Nội cũng đã tiếp thu ý kiến phản ánh từ công luận và các bộ, ngành liên quan trước khi đi tới phương án trên. Tại cuộc họp lấy ý kiến các bộ ngành về phương án đổi giờ làm, giờ học hôm 3-11, các ý kiến đều cơ bản thống nhất với phương án đề xuất trên của Hà Nội. Phương án trình Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Liên quan tới vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ hôm   4-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại Hà Nội, chống ùn tắc trước hết là trách nhiệm của thành phố, vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GT-VT bàn bạc, thống nhất với Hà Nội xây dựng phương án giảm ùn tắc giao thông”. Ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội có trách nhiệm trình phương án đổi giờ lên cấp có thẩm quyền. Trong khi chưa có phương án cụ thể, Chính phủ kêu gọi nhân dân hãy chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, góp phần tích cực vào bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc”.