Hà Nội triển khai xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số

ANTD.VN - Chiều 2-10, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 với chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”.
Hà Nội khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023

Hà Nội khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023

Với chủ đề “Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số”, chiều 2-10, Sở GD-ĐT Hà Nội đã khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023. Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch Hội khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh; đại diện Bộ GD-ĐT; lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy.

Về vai trò của chuyển đổi số, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đưa kiến thức đến với người dân một cách dễ dàng mà còn kịp thời hỗ trợ các kỹ năng cần thiết để bất kỳ ai cũng có thể trở thành một công dân của thời đại số, công dân toàn cầu.

Việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ đem lại cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không một ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có cơ hội để phát triển bản thân, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Đặc biệt, đây còn là yêu cầu đối với việc xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số, góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tự học của mọi người dân, ở nước ta, việc chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu cho chuyển đổi số.

Cơ sở dữ liệu số hóa chuyên ngành chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện, vì vậy xảy ra tình trạng học liệu số tràn lan nhưng thiếu tính xác thực, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung.

Việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu cần có hành lang pháp lý phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.

Khắc phục khó khăn trên, ngành giáo dục đưa ra những giải pháp, chiến lược mang tính dài hạn, có lộ trình cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập suốt đời của mọi người dân trên nền tảng công nghệ số.

Cụ thể, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục; khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với các kho học liệu quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ngành giáo dục có kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ứng dụng các phần mềm quản lý để thúc đẩy phát triển học liệu số; thực hiện số hóa các tài liệu, văn bản chỉ đạo, hồ sơ sổ sách ngành giáo dục.