- Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ khai hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh
- Xem thôn nữ trổ tài trên sới vật đầu xuân ở Lễ hội Tịch điền 2023
Điểm mới ở thắng cảnh Hương Sơn
Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chỉ tính riêng ngày khai hội (mùng 6 tháng Giêng) khu di tích danh thắng Hương Sơn đã đón khoảng hơn 3 vạn du khách hành hương, chiêm bái và lễ Phật. Bắt đầu từ 5h ngày 27-1, suối Yến đã tấp nập du khách. Năm nay, lễ hội chùa Hương có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là việc tham quan và dịch vụ thuyền, đò đã dùng vé điện tử thay vì vé truyền thống. Cùng với đó, Ban tổ chức triển khai hệ thống xe điện phục vụ người dân, lắp đặt hoàn thiện hệ thống kiểm soát vé qua mã QR (QR Code) với 10 lối kiểm soát vé, tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hành hệ thống kiểm soát vé, đảm bảo thành thạo kỹ năng và công tác phối hợp. Có 4.500 xuồng, đò đã được huy động. Số đò này được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác.
Lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn) 2023 |
Là lễ hội lớn kéo dài trong gần 3 tháng, chính vì thế không cần chờ tới ngày khai hội, du khách ngay từ đêm 30 và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán đã chọn Hương Sơn là điểm xuất hành đầu năm mới. Theo thông tin từ Ban tổ chức, có gần 90.000 lượt khách đổ về di tích từ ngày 21 đến 26-1-2023. Trong đó, ngày mùng 2 và mùng 3 Tết đón 20.000 du khách/ngày, riêng mùng 4 Tết lượng du khách tăng đột biến, ước tính khoảng hơn 40.000 người.
Ước tính chùa Hương sẽ đón cả triệu lượt du khách trẩy hội, chính vì thế trong những năm vừa qua, có những lúc chùa Hương trở thành “điểm nóng” với nhiều tồn tại từ tắc đường, tắc đò, tắc cáp treo…. Tuy nhiên, với những nỗ lực giải tỏa các “điểm đen” về ùn tắc, các hạng mục phụ trợ của chùa Hương thời gian qua cũng đã được chỉnh trang, cải tạo, mở rộng như nạo vét suối Yến, khơi thông dòng chảy, đổi mới các hoạt động thuyền đò, bán vé, trông giữ xe, đảm bảo cho chuyến hành hương đầu năm của du khách an toàn, văn minh, thân thiện.
Hơn 3 vạn du khách hành hương về thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức Hà Nội) trong ngày đầu năm mới |
Những lễ hội không thể thiếu ở Hà Nội
Ngay trong những ngày đầu năm mới, ngoài lễ hội chùa Hương, Hà Nội còn có nhiều lễ hội lớn cũng khai hội vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội Cổ Loa năm nay đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội từ lâu đời. Tương truyền ngày mùng 6 tháng Giêng Vua An Dương Vương Thục Phán nhập cung và sau đó tổ chức khao quân nên người dân Cổ Loa lấy ngày này làm chính hội để tưởng nhớ công ơn của người có công sáp nhập bộ lạc Âu Việt - Lạc Việt hùng mạnh, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô. Không chỉ mang giá trị lịch sử, thành Cổ Loa còn mang giá trị về nghệ thuật kiến trúc và quân sự với các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi 2 lần được chọn là kinh đô của nước Việt, trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào. Lễ hội đền Cổ Loa kéo dài từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng Âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội tại các làng Cổ Loa, Sằn Giã, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Ngoại Sát, Thư Cưu, Văn Thượng.
Cũng trong những ngày đầu xuân năm mới, lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) khai mạc với nhiều nghi lễ truyền thống, đặc biệt là màn rước lễ vật truyền thống của các thôn trên địa bàn huyện. Mỗi lễ vật đều có nguồn gốc thú vị và mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ rước Giò hoa tre ở đền Gióng luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách với quan niệm đó là vật phẩm may mắn trong ngày đầu năm mới. Đó cũng là một hình ảnh biểu tượng của tinh thần đoàn kết phòng chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi của dân tộc.
Đền Quán Thánh (ảnh: Lại Tấn) |
Thăng Long tứ trấn và tín ngưỡng tâm linh của Thủ đô
Thăng Long tứ trấn là khái niệm dân gian để chỉ 4 ngôi đền thiêng trấn giữ 4 hướng của thành Thăng Long gồm: trấn Đông - đền Bạch Mã, trấn Tây - đền Voi Phục, trấn Nam - đền Kim Liên, trấn Bắc - đền Quán Thánh. Thời xưa, những ngôi đền này thường được nhà vua đến dâng hương vào dịp đầu năm. Ngày nay truyền thống đó vẫn được người dân Thủ đô tiếp nối.
Ngay từ sáng mùng 1 Tết, rất nhiều người dân Hà Nội đã đến dâng hương tại Thăng Long tứ trấn, đây được xem như điểm đến đầu tiên trong ngày đầu năm mới để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, sức khỏe, may mắn và bình an. Đền Bạch Mã ở số 76 phố Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thờ thần Long Đỗ còn gọi là Tô Lịch giang thần. Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9, xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Tương truyền năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, thần Long Đỗ đã giúp vua xây thành, làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ phương Bắc là Cao Biền và được vua phong làm Thành hoàng của Thăng Long. Hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng 2 Âm lịch hàng năm với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa như ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm…
Đền Voi Phục nằm trên phố Kim Mã (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) thuộc địa phận làng Thủ Lệ ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Đền thờ hoàng tử Linh Lang, con Vua Lý Thái Tông và bà phi Dương Thị Quang, nhưng tương truyền hoàng tử vốn là con của Long Quân thác sinh với tên gọi là Hoàng Châu. Hoàng tử là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống và đã hy sinh trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076. Lễ hội đền Voi Phục được tổ chức hàng năm với sự tham gia của cả những địa phương bên cạnh làng Thủ Lệ như Thụy Khuê, Cống Vị, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vạn Phúc… và xa hơn như Bồng Lai (huyện Đan Phượng), Lệ Mật (Long Biên). Chính hội diễn ra vào ngày 9 và 10-2 Âm lịch, tùy từng năm có thể kéo dài từ 3 - 10 ngày.
Đền Kim Liên có địa chỉ ở 148 phố Kim Hoa (phường Phương Liên, quận Đống Đa). Đền thờ Cao Sơn đại vương, con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, 1 trong 50 người con theo mẹ lên núi. Thần Cao Sơn đã cùng Sơn Tinh (Tản Viên sơn thánh) chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho trăm họ. Sử sách do Sử thần Lê Trung soạn năm 1510 còn ghi lại rằng, khi Vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp Vua Lý Thái Tổ, đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy có ngôi đền cổ ghi bốn chữ “Cao Sơn đại vương” bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên, chỉ sau 10 ngày đại sự đã thành công. Nhớ ơn thần đã giúp dẹp loạn, vua cho xây dựng đền thờ ở Thăng Long. Đền Kim Liên hiện đang lưu giữ tấm bia đá “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” ca ngợi công lao của thần và 39 đạo sắc phong cho thần. Hội đền và đình Kim Liên được tổ chức vào ngày 16-3 Âm lịch hàng năm.
Đền Quán Thánh (hay đền Trấn Vũ) thuộc quận Ba Đình, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là vị thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái. Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều Vua Lý Thái Tổ. Sau khi dời đô về Thăng Long, vua cho rước bài vị của thần về ở phía Tây Bắc thành. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên đền là Trấn Vũ quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay. Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3-3 Âm lịch hàng năm.
Trải qua những biến động của thời gian, Thăng Long tứ trấn vẫn được coi là 4 ngôi đền linh thiêng của người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Và 4 ngôi đền này cũng là nơi mà người dân Thủ đô thành kính ngưỡng vọng, dâng hương cầu bình an cho gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Nhiều biện pháp cho mùa lễ hội văn minh, giàu bản sắc
Năm nay, các địa phương đều có phương án chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống và chắc chắn sẽ thu hút được số lượng người khá đông tham gia. Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản gửi các địa phương, trọng tâm là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đề nghị phải căn cứ vào thực tiễn, quy định trong Nghị định 110/2018/NĐ-CP về tổ chức, quản lý lễ hội; sớm thành lập Ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức lễ hội khoa học, hiệu quả; tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra trước và sau lễ hội; nâng cao ý thức và triển khai biện pháp quản lý của chính quyền địa phương. Hiện Cục Văn hóa cơ sở vừa hoàn thành cổng thông tin điện tử liên quan tới cơ sở dữ liệu về lễ hội, hệ thống hóa tất cả các lễ hội trên toàn quốc và mọi người có thể truy cập. Các địa phương cần căn cứ vào số lượng lễ hội của địa phương để đưa ra biện pháp phân cấp quản lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự. Các di tích, Ban quản lý các lễ hội cần phải xem xét và quan tâm đến cơ sở vật chất ở những nơi tổ chức lễ hội để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Thanh Xuân