Hà Nội: Phát hiện ngan chết bất thường

 (ANTĐ) - Ngày 6-6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố đã triệu tập cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Hà Nội: Phát hiện ngan chết bất thường

* Phác đồ điều trị cúm vẫn còn hiệu lực

 (ANTĐ) - Ngày 6-6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố đã triệu tập cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Theo Ban Chỉ đạo, 8 chốt kiểm dịch cố định ở thành phố mới chỉ kiểm soát được khoảng 10% gia cầm vận chuyển ra, vào thành phố. Đến nay, thành phố đã tiêm vaccine phòng dịch cúm cho 2,3 triệu con gia cầm, đạt 93,6% tổng đàn gia cầm trong diện phi tiêm.

Ngày 26-5, Chi cục Thú y Hà Nội đã nhập và cấp vaccine H5N2 cho các huyện tiêm cho đàn ngan và đã tiêm được khoảng 70%. Dự kiến, việc tiêm vaccine cho 90.000 con ngan ở thành phố sẽ kết thúc trước ngày 10-6. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, quận này vẫn còn tới 17.000 con gia cầm chưa có vaccine tiêm phòng…

Trong khi đó, ngày 30-5, một hộ chăn nuôi ở thôn 4, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì đã phát hiện ngan chết bất thường.  Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tiêu hủy đàn ngan nói trên, khoanh vùng khử trùng, tiêu độc và chờ kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ngày 31-5, dịch cúm gia cầm tiếp tục tái phát ở một hộ nuôi vịt thuộc Nông trường Cờ Đỏ, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Từ ngày 2 đến 4-6, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát hiện vịt chết hàng loạt ở 3 hộ chăn nuôi. Tính đến ngày 6-6, đã có 75 xã, thị trấn thuộc 15 tỉnh, thành phố phát hiện ổ dịch cúm gia cầm.

 * Hai trường hợp được xác nhận là nhiễm virus H5N1 đều đã bỏ  máy thở và được thở oxy đơn thuần. Các tổn thương ở phổi đã được khống chế. Đây là thông tin được TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm ở người, chiều 6-6. Cũng theo TS Nguyễn Huy Nga, kết quả xét nghiệm lần ba của bệnh nhân ở Thái Nguyên cho kết quả âm tính với virus H5N1, dù trước đó, bệnh nhân này có kết quả dương tính với virus H5N1. Có sự khác nhau về kết quả giữa các lần xét nghiệm do các thời điểm lấy mẫu khác nhau. Vì thế, Bộ Y tế sẽ xem xét lại quy trình và cách thức lấy mẫu giữa đơn vị điều trị và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tránh trường hợp nhiễu thông tin, gây hoang mang dư luận.

Cũng trong chiều 6-6, GS Nguyễn Đức Hiền - Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia cho biết, cả hai trường hợp nhiễm cúm A H5N1 đều có tiếp xúc với gia cầm và khởi bệnh sau 5 - 6 ngày tiếp xúc, với biến chứng tràn khí màng phổi bên cạnh suy đa phủ tạng. Đây có thể được xem là dấu hiệu quan trọng trong biểu hiện cúm gia cầm trên người. Hiện nay, phác đồ điều trị của Bộ Y tế vẫn còn có giá trị và khá đầy đủ. Vì vậy, Bộ cần nhắc nhở các địa phương cần ôn lại, tập huấn lại cách thức sử dụng phác đồ điều trị. GS Hiền cũng đề nghị các địa phương khi phát hiện ra các ca viêm phổi nghi nhiễm sẽ chuyển thẳng lên Viện Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia để sàng lọc trước khi tự lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.

Hằng Thu