Giao thông chuyển biến rõ nét:

Hà Nội được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương

ANTĐ - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội và TP. HCM đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP từng bước khắc phục ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Phó Thủ tướng ghi nhận sự vào cuộc của các cấp ngành Hà Nội đã có giải pháp tốt lập lại trật tự bến xe Mỹ Đình.
Hà Nội được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ảnh 1
Nhờ áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả, Hà Nội đã giảm 50% các điểm ùn tắc giao thông
(Trong ảnh: CSGT Hà Nội phân luồng giao thông tại ngã tư Phạm Văn Đồng-Hoàng Quốc Việt
giờ cao điểm buổi chiều). Ảnh: Phú Khánh


Giảm 50% các điểm ùn tắc

Sáng 11-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị bàn về việc thực hiện NQ 16 của Chính phủ khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo Phó Thủ tướng, cách đây 5 năm tình hình ùn tắc giao thông (UTGT) diễn ra rất nghiêm trọng gây lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Qua 5 năm, số vụ, số điểm ùn tắc đều giảm, trong đó Hà Nội chỉ còn 57 điểm thường xuyên ùn tắc cục bộ so với 124 điểm vào năm 2008 (giảm 46%), TP Hồ Chí Minh còn 76 điểm so với 120 điểm vào năm 2008; cảnh quan đô thị được cải thiện...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, trên cơ sở NQ16, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện 7 giải pháp theo nội dung của Nghị quyết. Trong đó, đã xây dựng quy hoạch GTVT đến năm 2030 và triển khai xây dựng mở rộng nhiều hạng mục giao thông như: xây dựng đường vành đai 3 trên cao, đang triển khai các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài. Sau 5 năm, đã đầu tư hoàn thành các tuyến đường với chiều dài 372km đường, tăng 2,3%; nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị từ 7% năm 2008 lên 8,15% năm 2012. Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng 6 cầu vượt lắp ghép nhẹ và đang triển khai cầu thứ 7. Biện pháp này đã giảm UTGT một cách đáng kể…

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC và TTATXH (Bộ Công an) nhận định, các giải pháp như xây dựng cầu vượt nhẹ, thay đổi giờ học, giờ làm, hạn chế phương tiện ở một số tuyến phố, giờ cao điểm, tổ chức lại lòng đường vỉa hè và gắn trách nhiệm với người đứng đầu ở các quận, huyện đã có hiệu quả ngay, tình hình UTGT giảm đáng kể, được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. “Trước mắt vẫn cần có các giải pháp cấp bách: Hạn chế phương tiện trong giờ cao điểm ở một số tuyến quan trọng; thiết lập, giải quyết nghiêm việc đỗ trái phép; coi trọng tổ chức giao thông, cập nhật trên các tuyến, nhất là tuyến một chiều cho phù hợp hơn”.

“Cần quy trách nhiệm của Bộ Xây dựng”

Cho rằng, trách nhiệm trong đảm bảo ATGT là không nhỏ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá, lâu nay Bộ Xây dựng chưa gắn với công tác ATGT. “Rõ ràng, bấy lâu nay Bộ Xây dựng chẳng làm gì cả, trong khi đó, vai trò của Bộ cực kỳ quan trọng trong việc phê duyệt quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, việc di dời các trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc chậm là do chưa quyết liệt thì cần quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng làm việc gì ở đây, quy hoạch thế nào, bố trí đất, cơ chế thực hiện ra sao...”. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hiện một số Bộ đã di dời tới trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ, nhiều bệnh viện không những không di dời mà còn xây dựng thêm, to hơn, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ.

Nhìn nhận thực tế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự phối hợp trong thực hiện một số nhóm giải pháp của Nghị quyết còn chưa đồng bộ, quyết liệt, điển hình như: việc phối hợp trong tổ chức triển khai việc di dời trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính ra khỏi khu trung tâm; công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè các tuyến phố trong đô thị chưa tốt… dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, gây dư luận không thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT ưu tiên ghi vốn cho những công trình chống UTGT, đảm bảo ATGT, không còn gì cấp bách hơn việc mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 vạn người chết vì TNGT. 

Nghiên cứu kiểm soát xe cơ giới cá nhân

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn như: đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn; Quản lý có hiệu quả sự gia tăng phương tiện taxi và hoạt động của xe taxi.