Hà Nội đặt tên mới cho 23 tuyến đường, phố

ANTĐ - Sáng nay (5-12), HĐND TP Hà Nội đã thảo luận, cho ý kiến đối với một Nghị quyết quan trọng. Các Nghị quyết được thông qua với đa số phiếu tán thành, theo đó, HĐND đồng ý với việc đặt tên mới cho 23 đường phố và đặt tên cầu Nhật Tân...

Hà Nội đặt tên mới cho 23 tuyến đường, phố ảnh 1Ảnh minh họa: Hàng loạt tuyến phố được đặt tên mới

Cầu dây văng qua Sông Hồng chính thức có tên Nhật Tân

Với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt nhất trí đạt tỷ lệ 88,3% so với tổng số đại biểu, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng.

Theo đó, cầu dây văng dài nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh được chính thức được đặt tên là Nhật Tân. Cầu Nhật Tân có chiều dài 3.750m, đường dẫn dài 5.170m, chiều rộng 33,2m với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, kết cấu chính theo dạng dây văng với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng.
Cầu có điểm đầu ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ điểm cuối giao với quốc lộ 3 tại km7+100, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Cầu Nhật Tân được triển khai đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.

Cùng với việc đặt tên cầu Nhật Tân, HĐND TP cũng đồng ý với việc đặt tên 24 tên đường phố và công trình công cộng của 7 quận, huyện, thị xã đã. Theo đó, sẽ có 23 tuyến phố và đường được đặt tên mới. Cụ thể:

Trên địa bàn quận Cầu Giấy, Phố Thọ Tháp chiều dài 820 m cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Trần Thái Tông, đối diện trụ sở ƯBND phường Dịch Vọng Hậu đến ngã ba giao cắt Tòa nhà N07 Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Địa bàn quận Hoàng Mai có 3 tuyến phố có tên mới là: Phố Bằng Liệt dài 1,8 km cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường vành đai III, giáp cầu Dậu đến ngã ba giao cắt với cầu Quang, cạnh Chùa Bằng; Phố Hưng Phúc dài 600m cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Vành đai III, cạnh chùa Hưng Phúc đến Tổ dân phố 26, cạnh Miếu Cốc; Phố Đông Thiên dài 1km cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Vĩnh Hưng (ngõ 198 phố Vĩnh Hưng) đến ngã ba giao cắt đường Lĩnh Nam (ngõ 351 đường Lĩnh Nam).

Tại quận Nam Từ Liêm có 11 tuyến phố có tên mới, bao gồm:  Phố Thiên Hiền, Sa Đôi, Phú Đô, Phố Nhổn, Hòe Thị, Tu Hoàng, Thị Cấm, Ngọc Trục, Đại Mỗ, Cầu Cốc, Miêu Nha, Cương Kiên, Đồng Me, Miếu Đầm. Thị xã Sơn Tây có 1 tuyến phố có tên mới là Phố Cầu Hang.

4 đường mới là đường Quảng Oai, Phú Mỹ, Tây Đằng (huyện Ba Vì) và đường Đá Bạc (thị xã Sơn Tây). Đường Hữu Hưng (quận Nam Từ Liêm) được điều chỉnh kéo dài từ cuối đường Hữu Hưng (Khu chức năng đô thị Tây Mỗ) đến giao với ngõ Hàng Bà (số nhà 468 tổ dân phố Tó, phường Tây Mỗ) với chiều dài 600m.

Tập trung vốn, đảm bảo tiến độ công trình trọng điểm

Cũng tại phiên họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh danh mục và tiến độ thực hiện các công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2011-2015. Theo tờ trình của UBND thành phố, giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn thành phố có 37 công trình, cụm công trình (gồm 55 dự án thành phần), với tổng mức đầu tư dự kiến 160.763 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong quá trình chỉ đạo, xét thấy 2 dự án đang triển khai thực hiện, có vai trò quan trọng cần tập trung bố trí vốn thực hiện đảm bảo tiến độ, UBND TP đã kiến nghị và được HĐND TP thống nhất đưa vào trong phương án phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Đó là Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (sử dụng vốn ODA Ngân hàng thế giới - hoàn thành theo tiến độ hiệp định năm 2015) và Dự án xây dựng nút giao thông đường đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (hoàn thành năm 2015).

Bên cạnh đó, do yêu cầu hoàn thành đồng bộ với dự án Tòa nhà Quốc hội, TP chỉ đạo tách phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu Khảo cổ 18 Hoàng Diệu thành một dự án riêng từ Dự án Bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Như vậy, đến nay TP có 39 cụm công trình và công trình trọng điểm với 58 dự án.

Phó Chủ tịch UBND – Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, trong điều kiện khả năng nguồn vốn có hạn, thời gian thực hiện không còn nhiều, để đảm bảo tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo các công trình trọng điểm trong thời gian tới, cần phải điều chỉnh tiến độ các dự án trọng điểm và tổ chức thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Qua thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đề nghị bổ sung nguyên tắc không điều chỉnh tiến độ đối với các dự án đã hoàn thành; đưa ra khỏi danh mục các công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 đối với các dự án triến khai đầu tư sau năm 2015 (26 dự án). Ban Pháp chế HĐND TP cũng đề nghị, UBND TP tập trung chỉ đạo đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình và hoàn thành cao nhất kế hoạch các công trình trọng điểm sau khi đã được điều chỉnh danh mục, tiến độ.

Sau khi xem xét các ý kiến, HĐND TP đã biểu thông qua Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh danh mục và tiến độ các công trình, cụm công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2011-2015 với sự tán thành của 78/79 đại biểu có mặt (đạt tỷ lệ 82,98% so với tổng số đại biểu).