Hà Nội có hơn 30% trẻ mầm non tiếp cận chương trình làm quen tiếng Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thống kê từ Bộ GD-ĐT, nhu cầu làm quen với tiếng Anh của trẻ mầm non ở các thành phố lớn khá cao, đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng chương trình dạy cho trẻ.
Nhu cầu tiếp cận với tiếng từ bậc mầm non tại các thành phố lớn ngày càng cao

Nhu cầu tiếp cận với tiếng từ bậc mầm non tại các thành phố lớn ngày càng cao

Theo Bộ GD-ĐT, địa phương đông trẻ làm quen với tiếng Anh nhất cả nước hiện nay là TP. HCM với hơn 96.000 trẻ, chiếm 58 % tổng số trẻ đến trường. Hà Nội có gần 30.000 trẻ, chiếm 32%; Đà Nẵng 13.473 trẻ, chiếm 19,2%; Vĩnh Phúc 7.343 trẻ (chiếm 14,2%). Độ tuổi cho trẻ làm quen với tiếng Anh là từ 3-5 tuổi.

Để triển khai chương trình làm quen tiếng Anh với trẻ mầm non, căn cứ trên đăng ký của cha mẹ trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non liên kết với các trung tâm đã được Sở GD-ĐT thẩm định tài liệu, học liệu phối hợp thực hiện.

Theo Bộ GD-ĐT, trong thời gian qua, công tác cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được sự ủng hộ rất lớn từ cha mẹ trẻ. Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non được xây dựng dựa trên cơ sở: Chương trình Giáo dục Mầm non; các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam;

Bối cảnh văn hóa xã hội, giáo dục và điều kiện kinh tế thực tế của Việt Nam; sự đa dạng của đối tượng trẻ mẫu giáo về phương diện vùng miền, nhu cầu, điều kiện và khả năng làm quen với tiếng Anh. Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”.

Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Cùng với nhu cầu ngày càng cao thì vấn đề đảm bảo chất lượng trong thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non lại càng cần được quan tâm. Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Minh yêu cầu các địa phương quan tâm sâu đến nguyên tắc này, cần phê duyệt kỹ các chương trình dạy cho trẻ.

Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tập huấn đầy đủ cho đội ngũ giáo viên, thẩm định kỹ các giáo viên nước ngoài; tích cực số hoá giáo trình, tài liệu...

Bộ GD-ĐT cho rằng chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non cần tiếp tục được triển khai tích cực trên cả nước để trẻ mầm non được tiếp cận với tiếng Anh sớm, tạo tiền đề để sau này học tập tốt hơn; đặc biệt, giúp các em phát triển ngôn ngữ, tự tin và hòa nhập tốt trong môi trường xã hội toàn cầu hóa.