Hà Nội chống tham nhũng: Thu hồi 322 tỷ đồng

ANTĐ - Hôm nay, 3-11, Thành ủy Hà Nội đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Con số thống kê mới nhất cho biết, tại Hà Nội, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng trong 5 năm qua, ước tính trên 967 tỷ đồng.

Đất đai và xây dựng cơ bản là những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực

Nhìn lại 5 năm phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN), Thành ủy Hà Nội đánh giá, công tác này đã được triển khai nghiêm túc, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng, công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, trong đó nâng cao vai trò của cấp ủy, trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Việc giám sát, phát hiện các dấu hiệu tham nhũng được thực hiện qua nhiều “kênh”, từ các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND, MTTQ đến tiếp nhận và xử lý đơn thư, thanh tra, kiểm tra và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan tố tụng. Trong 5 năm, giá trị tài sản tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra là hơn 1.140 tỷ đồng. Có những vụ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thành ủy cũng thẳng thắn đánh giá, công tác PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức về công tác này tại một số cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và sâu sắc. Việc phát hiện các hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà nhất là trong các khâu làm thủ tục thuê đất, cấp “sổ đỏ”, thẩm định dự án...

Thiếu tướng Trần Long Xuyên, Phó Giám đốc CATP nhìn nhận, tình hình tham nhũng trong 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tham nhũng xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, thanh tra xây dựng, đất đai... Ông nói: “Thường có sự móc nối của đối tượng ngoài xã hội với một số cán bộ thoái hóa trong cơ quan quản lý Nhà nước. Đối tượng tham nhũng ngày càng đa dạng, trong đó có Tổng giám đốc, giám đốc, Chủ tịch UBND xã, kế toán, trưởng thôn, cán bộ địa chính...”.

Thiếu tướng Trần Long Xuyên cho biết, hơn 5 năm qua, CATP Hà Nội đã phát hiện 126 vụ, với 276 đối tượng tham nhũng. Số này đã gây thiệt hại cho Nhà nước ước tính trên 967 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tài sản thu hồi chỉ đạt 322 tỷ đồng, 33% so với tổng số thiệt hại. Dự báo tình hình tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, CATP đưa ra 6 nhóm kiến nghị để nâng cao hiệu quả PCTN, lãng phí. Trong đó, CATP đề nghị tăng cường quản lý trong lĩnh vực thanh toán tiền tệ. Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xây dựng quy định bắt buộc thanh toán qua tài khoản, thẻ tín dụng để hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ lớn hơn 2 triệu đồng. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực cho rằng, cần kiến nghị với Trung ương nghiên cứu và xây dựng hệ thống PCTN độc lập với cơ quan hành pháp. Chẳng hạn, nên có một ủy ban của Quốc hội về PCTN. Ông Trần Văn Thực cũng nhấn mạnh, phải xóa bỏ cơ chế xin-cho đang còn tồn tại ở một số lĩnh vực để giảm cơ hội phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Hà Nội yêu cầu, cần tiếp tục xác định công tác PCTN, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố với phương châm: chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm minh. Ông nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị công tác của mình phải coi nhiệm vụ PCTN, lãng phí là việc hàng ngày, là việc của chính mình, luôn đi đầu trong PCTN...”.

Quyết liệt bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Ngày 3-11, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng”. Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Đình Phách khẳng định, cần có các biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ những người dám tố cáo, kiên trì tố cáo hành vi tham nhũng.” Ông cho rằng, đây là yêu cầu quan trọng, bức thiết nhưng cũng là vấn đề rất khó khăn hiện nay. Bởi cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo còn nhiều hạn chế.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để bảo vệ tốt người tố cáo tham nhũng, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải bảo mật chặt chẽ thông tin về người tố cáo và xử lý, giải quyết nhanh, dứt điểm thông tin do người tố cáo cung cấp. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm khắc hành vi trả thù người tố cáo.
Ngọc Khánh